The Guardian đưa tin các nhà nghiên cứu từ Trường Y của Đại học New York (Mỹ) đã phát hiện ra rằng nồng độ vi nhựa trong phân trẻ sơ sinh cao hơn 10-20 lần so với người lớn, đặc biệt là vi nhựa PET (polyethylene terephthalate). Nghiên cứu này được công bố trên Tạp chí Environmental Science and Technology Letters của Hiệp hội Hóa học Mỹ.
Nhóm nghiên cứu đã phân tích phân của 6 trẻ sơ sinh, 10 người lớn và phân su của 3 trẻ sơ sinh để xem nồng độ hai loại vi nhựa phổ biến - PET và polycarbonate (PC). Các nhà khoa học đã tìm thấy ít nhất một loại vi nhựa trong mỗi mẫu phân.
Mức độ vi nhựa PC ở phân người lớn và trẻ sơ sinh gần như giống nhau, nhưng phân trẻ sơ sinh có nồng độ vi nhựa PET cao hơn 10-20 lần. PET được sử dụng chủ yếu trong sản xuất sợi dệt, chai nước và vỏ điện thoại di động.
Vi nhựa là các hạt nhựa có kích thước nhỏ hơn 5 mm, do quá trình phân mảnh nhựa tạo thành. Vi nhựa là mối đe dọa đối với môi trường vì không dễ phân hủy. Các nghiên cứu gần đây đã tìm thấy vi nhựa trong bụi, thực phẩm, trái cây, nước đóng chai, cả phân động vật lẫn phân người.
“Vi nhựa là mối nguy cơ về sức khỏe. Chúng ta cần nỗ lực để giảm mức độ tiếp xúc với vi nhựa ở trẻ em. Sản phẩm dành cho trẻ em không được làm từ nhựa", ông Kurunthachalam Kannan, giáo sư nhi khoa tại Đại học New York và là trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết.
“Chúng tôi rất ngạc nhiên khi phát hiện nồng độ vi nhựa ở phân trẻ sơ sinh cao hơn so với người lớn. Sau khi tìm hiểu các nguồn vi nhựa trẻ sơ sinh tiếp xúc, chúng tôi nhận thấy hành vi của trẻ sơ sinh như bò trên thảm, nhai vải dệt và các sản phẩm trẻ em như đồ chơi gặm nướu, đồ chơi nhựa, bình sữa, thìa đều có thể dẫn đến kết quả này”, ông Kannan nói thêm.
Các nhà khoa học ước tính rằng trung bình một người có thể ăn tới 5 g vi nhựa mỗi tuần. Một số vi nhựa đi qua hệ tiêu hóa và được thải ra ngoài theo phân, một số vi nhựa tích lũy trong nội tạng chúng ta. Các nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng một số mảnh vi nhựa đã vượt qua màng tế bào và đi vào máu. Các nghiên cứu khác phát hiện vi nhựa được truyền từ mẹ sang con qua nhau thai.
Giới khoa học vẫn chưa có nhiều thông tin về những ảnh hưởng vi nhựa gây ra cho cơ thể con người. Tuy nhiên, một số thử nghiệm trên động vật cho thấy vi nhựa gây viêm nhiễm, khiến tế bào ngừng hoạt động và ảnh hưởng đến việc trao đổi chất.
Bình luận (0)