Phát hiện phân tử cổ xưa nhất trong vũ trụ

26/04/2019 15:00 GMT+7

Các nhà khoa học vừa tìm được dạng phân tử cổ xưa nhất trong vũ trụ, một lần nữa củng cố giả thuyết về Big Bang và cách thức các chất hóa học thời sơ khai phát triển và tiến hóa sau vụ nổ khai sinh vạn vật.

Phân tử có tên helium hydride (HeH+) được cho là đóng vai trò chiếu sáng cho vũ trụ thời kỳ đầu, hình thành khi một nguyên tử helium chia sẻ electron với proton của khí hydrogen. Helium hydride không chỉ được xem là kết nối phân tử đầu tiên của vũ trụ, xuất hiện vào giai đoạn vũ trụ nguội đi sau sự kiện Big Bang, mà còn mở đường cho việc hình thành các phân tử hydrogen.
Tuy nhiên, trong khi con người đã tạo nên helium hydride trong điều kiện phòng thí nghiệm cách đây gần 1 thế kỷ, các nhà nghiên cứu vẫn không tìm được tung tích của nó trong không gian.
Trong một phát hiện đáng vui mừng, các chuyên gia cho hay cuối cùng cũng đã phát hiện helium hydride trong một tinh vân hành tinh 600 năm tuổi, được đặt tên NGC 7027, cách trái đất khoảng 3.000 năm ánh sáng và nằm lẫn bên trong chòm sao Thiên Nga.
Dù helium hydride ở đây được hình thành theo một quy trình hoàn toàn khác với vũ trụ thuở ban đầu, tiến sĩ Rolf Güsten của Viện Thiên văn học vô tuyến Max Planck ở Bonn (Đức) cho hay sự hiện diện của nó đóng vai trò to lớn trong việc ủng hộ giả thuyết về cái gọi là “bình minh của hóa học”. Có thể nói, phát hiện mới đã mang đến kết cục có hậu cho nỗ lực nghiên cứu kéo dài nhiều thập niên qua, theo báo cáo trên chuyên san Nature.
Tiến sĩ Jérôme Loreau của Đại học Libre de Bruxelles (Bỉ) đánh giá cao nỗ lực trên, một phần vì helium hydride vô cùng khó tìm trong vũ trụ bao la. “Một lý do khác mà chúng ta cần phải ăn mừng: HeH+ là phân tử đầu tiên được hình thành trong vũ trụ này, khoảng 380.000 năm kể từ sự kiện Big Bang”, tiến sĩ Loreau giải thích. Sự xuất hiện của nó dẫn đến sự hình thành của các ngôi sao và thiên hà, và vì thế đóng vai trò then chốt cho sự khai sinh mọi thứ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.