Phát hiện sắc phong thời Nguyễn

15/12/2016 07:00 GMT+7

Ngày 14.12, ông Lê Bá Hạnh, Phó giám đốc Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh, cho biết cán bộ của bảo tàng vừa phát hiện 2 sắc phong từ thời Nguyễn tại đình làng Hoa Vân Hải, xã Cổ Đạm, H.Nghi Xuân, Hà Tĩnh ( ảnh ).

Theo ông Hạnh, 2 đạo sắc phong này được xác định do vua Khải Định năm thứ 2 (1917) và năm thứ 9 (1924) truy phong cho anh hùng dân tộc Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. 2 đạo sắc cổ còn nguyên vẹn, giống nhau về trang trí hoa văn và cùng kích thước (dài 1,2 m, rộng 50 cm), được làm bằng chất liệu giấy dó mịn, màu vàng đậm. Mặt trước các đạo sắc phong vẽ hình rồng ẩn trong mây, kết hợp họa tiết hoa văn hình sóng nước, thân rồng uốn lượn, đầu ngẩng chầu chữ “Thọ” ở giữa sắc phong. Bốn góc sắc phong là 4 ô hình học, mỗi ô vẽ 5 chữ “Thọ” (kiểu chữ triện), ở giữa ô là hình chim phượng, xung quanh là hoa văn hình học. Mỗi sắc phong có 9 dòng chữ Hán, dấu triện “sắc mệnh chi bảo” màu đỏ được đóng đè lên thời gian của niên hiệu. Mặt sau của đạo sắc phong vẽ tứ linh, phía trên mặt thân là hình rồng vờn mây, bên phải là chim phượng, bên trái là kỳ lân, phía dưới là rùa, phía dưới cùng là hoa văn hình sóng nước.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.