Muỗi vằn Aedes aegypti |
Shutterstock |
Muỗi vằn, tên khoa học Aedes aegypti, là một trong nguồn gieo rắc bệnh tật nguy hiểm cho con người trên toàn thế giới, do chúng mang theo nhiều loại vi trùng có thể lây lan cho nhân loại. Chúng là nguồn lây bệnh sốt vàng da, sốt xuất huyết, Zika, chikungunya…
Sự hiện diện toàn cầu của muỗi vằn (cùng với muỗi A. albopictus) và những căn bệnh mà chúng gieo rắc tiếp tục mở rộng trên toàn cầu trong những năm gần đây. Nhiều chuyên gia cảnh báo tầm tấn công của muỗi độc sẽ còn lan rộng trong những thập niên sắp tới vì khí hậu đang ấm lên.
Theo báo cáo mới đăng trên chuyên san Science Advances, các nhà khoa học thuộc Viện Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia Nhật Bản đã nghiên cứu những mẫu sinh phẩm của muỗi A. aegypti được thu thập ở khắp châu Á trong thời gian qua.
Indonesia lấy muỗi trị sốt xuất huyết |
Họ chủ yếu tập trung tìm kiếm những đột biến cụ thể trên một gien được cho có thể giúp muỗi và những loài côn trùng khác tăng cường khả năng sinh tồn bất chấp phơi nhiễm pyrethroid, loại hóa chất dùng trong các dòng thuốc diệt muỗi và trừ sâu phổ biến trên thị trường hiện nay.
Để rút ra kết luận chính xác nhất, các chuyên gia so sánh tỷ lệ sống sót khi phơi nhiễm pyrethroid của muỗi không sở hữu đột biến trên gien này trong phòng thí nghiệm với nhóm đột biến phát hiện trong môi trường tự nhiên.
Đội ngũ chuyên gia Nhật Bản phát hiện 10 chủng muỗi A. aegypti chưa từng được ghi nhận trước đây và mang theo ít nhất một đột biến trên. Một đột biến mới, gọi là L982W, được tìm thấy ở hơn 78% số muỗi tại Việt Nam và Campuchia. Và tại một vùng không nêu tên của Campuchia, khoảng 90% số muỗi mang theo một trong hai cặp đột biến được liệt vào nhóm “đặc biệt gây quan ngại”.
Kết quả tại phòng thí nghiệm cũng cho thấy muỗi mang đột biến rất khó bị giết chết bởi thuốc diệt muỗi. Và các nhà nghiên cứu đã giật tít báo cáo là “Phát hiện các loài muỗi siêu kháng thuốc diệt muỗi ở châu Á”.
Cho đến thời điểm hiện tại, giới chuyên gia chưa phát hiện đột biến L982W ở muỗi nằm ngoài lãnh thổ Việt Nam và Campuchia. Tuy nhiên, tình hình có thể thay đổi trong tương lai gần nếu không có sự can thiệp tức thời.
Bình luận (0)