Ngày 31.5, tin từ Bệnh viện Phụ sản TP.Cần Thơ, bác sĩ của bệnh viện vừa phát hiện sớm một trẻ sơ sinh không có lỗ hậu môn trong.
Đó là con của thai phụ N.T.N (ngụ H.Cờ Đỏ, TP.Cần Thơ). Chị N. nhập viện trong tình trạng đau trằn bụng. Qua thăm khám, bác sĩ chẩn đoán thai phụ mang thai con so 37 tuần 4 ngày, ngôi đầu đang trong giai đoạn chuyển dạ. Thai phụ được hỗ trợ vượt cạn thành công, bé trai cân nặng hơn 2,8 kg.
Tuy nhiên, qua khám tổng quát, bác sĩ phát hiện hậu môn bé chỉ có phần màng mà không có lỗ. Các bác sĩ siêu âm và phát hiện thêm thận phải và thận trái ứ nước độ 3, niệu quản dãn lớn; đoạn cuối bóng trực tràng nhỏ lại như đầu bút chì không thông xuống hậu môn mà có lỗ thông với niệu đạo.
Các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản TP.Cần Thơ tiến hành hội chẩn với bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng TP.Cần Thơ và quyết định chuyển bé đến Bệnh viện Nhi đồng TP.Cần Thơ điều trị.
Theo BS.CK2 Huỳnh Thanh Liêm, Trưởng khoa Sanh, Bệnh viện Phụ sản TP.Cần Thơ, trẻ sơ sinh có dị dạng hậu môn hiếm gặp, với tỷ lệ từ 1/1.500 đến 1/5.000 trẻ. Đây là một dị tật thời kỳ bào thai, không thể phát hiện qua quá trình khám thai. Dị tật chỉ có thể phát hiện sau sinh khi bé không đi phân sau 2 ngày hoặc có các dấu hiệu rò phân. Khi không có hậu môn, phân "tìm" đường thoát và sẽ rò ra ngoài bởi một đường rò (90% trẻ) qua tầng sinh môn hoặc niệu đạo, bàng quang hoặc rò vào âm đạo ở trẻ gái… Trường hợp không có đường rò, lòng ruột sẽ bị gián đoạn hoàn toàn, dẫn đến tắc ruột.
Dị tật hậu môn có thể đi kèm các bất thường khác như tim, thận, thực quản. Bệnh nhi nếu không được phẫu thuật điều trị, tình trạng tắc ruột sẽ dẫn đến suy kiệt và tử vong.
Bình luận (0)