Puna de Atacama là cao nguyên khổng lồ ở độ cao hơn 3.660 m so với mặt nước biển trên biên giới Argentina với Chile. Tại đây, ở thế giới không con đường nào có thể dẫn đến, đội ngũ các nhà nghiên cứu của Đại học Colorado ở Boulder (bang Colorado, Mỹ) phát hiện một thế giới "mới toanh" đối với khoa học.
Đây là thế giới kỳ lạ, xen lẫn giữa những cánh đồng muối trắng của Puna de Atacama là một hệ thống đầm phá xanh như ngọc và chứa chấp những cộng đồng vi khuẩn đông đúc gọi là stromatolite.
Trong đó, stromatolite là những lớp đá tạo thành do sự tăng trưởng của tảo xanh lam, gọi là cyanobacteria, thông qua hoạt động quang hợp, theo Đài CNN hôm 17.12.
Kiếm cổ La Mã trong hang đá Israel là phát hiện khảo cổ thú vị nhất năm 2023
Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết những cấu trúc ở Puna de Atacama nằm trong số những hệ sinh thái lâu đời nhất trên trái đất. Chúng đại diện cho chứng cứ hóa thạch sớm nhất về sự sống của địa cầu, tức cách đây ít nhất 3 tỉ năm rưỡi.
"Chúng giống như hệ thống hóa thạch vĩ mô và cổ nhất hành tinh, và thật sự là một dạng môi trường vô cùng hiếm trong bối cảnh trái đất thời hiện đại", Đài CNN dẫn lời giáo sư Brian Hynek của Đại học Colorado ở Boulder. Ông là người chụp ảnh và ghi chép thông tin lưu trữ về hệ sinh thái mới phát hiện ở Argentina.
"Hệ thống đầm phá này có thể là một trong những ví dụ tốt nhất về những dấu hiệu đầu tiên của sự sống trên địa cầu", theo giáo sư Hynek, xác nhận "hệ sinh thái trên không giống bất kỳ thứ gì khác mà tôi, hay những nhà khoa học khác, từng chứng kiến".
Phát hiện mới cũng cung cấp manh mối cho phép các nhà khoa học có thể hình dung về môi trường của sa mạc trên sao Hỏa trong quá khứ.
"Nếu sự sống từng tiến hóa trên sao Hỏa đến cấp độ hóa thạch, chúng sẽ giống như thế này", giáo sư Hynek cho hay.
Bình luận (0)