Phát hiện thiếu vệ sinh khu chế biến thực phẩm ở một siêu thị TP.HCM

20/01/2025 14:09 GMT+7

Đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát hiện nhiều thiếu sót trong vấn đề vệ sinh, chế biến hải sản ở một siêu thị TP.HCM.

Ngày 20.1, đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có buổi làm việc tại TP.HCM về đảm bảo nguồn cung thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán 2025.

Các hệ thống siêu thị cùng tẩy chay nhà cung cấp vi phạm

Tại buổi kiểm tra ở Công ty TNHH MM Mega Market, theo đại diện công ty trong năm 2024 tỷ lệ phát hiện vi phạm của nhà cung cấp chiếm 1 - 2%. Chủ yếu là ngành hàng thủy sản có nhiễm kháng sinh.

Khi phát hiện, công ty ngưng nhận hàng từ nhà cung cấp, đến tận nơi sản xuất tìm nguyên nhân để quyết định có hợp tác tiếp tục với nhà cung cấp. Đồng thời, giám sát hàng hoá 3 lần liên tục nếu đạt thì tiếp tục, không thì ngưng hợp tác.

Ngoài ra, nếu nhà cung cấp vẫn vi phạm thì siêu thị Mega Market sẽ thông báo cho các hệ thống siêu thị khác để cùng tẩy chay hàng nhà cung cấp này. Bên cạnh đó, các hệ thống siêu thị sẽ cung cấp thông tin vi phạm cho cơ quan chức năng để xử lý. Đây là chương trình ràng buộc cho để các nhà cung cấp hoạt động đúng nguyên tắc.

“Vì khi phát hiện sai phạm, nhiều nhà cung cấp vi phạm họ nói rằng không giao cho anh thì tôi giao cho bên hệ thống siêu thị khác. Ngoài ra số tiền xử phạt rất ít khiến họ không sợ, vì thế cách tốt nhất là các hệ thống siêu thị cùng tẩy chay hàng hóa của nhà cung cấp sai phạm”, vị đại diện Công ty TNHH MM Mega Market nói.

Phát hiện thiếu vệ sinh khu chế biến thực phẩm ở một siêu thị TP.HCM- Ảnh 1.

Đoàn kiểm tra phát hiện còn nhiều nhập nhằng trong giấy chứng nhận của giá đỗ tại siêu thị

ẢNH: N.A

Qua buổi kiểm tra, đoàn phát hiện nhiều vấn đề còn tồn tại như: khu vực sơ chế thực phẩm vẫn còn đồ cá nhân của nhân viên; nhân viên sơ chế không đeo găng tay, khẩu trang; một số hàng thủy hải sản còn để bên cạnh các bình ắc quy (có nguy cơ lây nhiễm chéo); một vài mặt hàng scan không thấy giấy chứng nhận, giấy tờ còn nhập nhằng; chưa có khu phân loại hàng tiêu hóa và hàng hóa nhập vào…

Nhìn nhận các bất cập còn tồn tại, đại diện công ty cho biết sẽ rút kinh nghiệm và sửa chữa.

Thiếu nhân lực kiểm tra thực phẩm tết

Tại buổi làm việc, bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM, cho biết sở đang khó khăn trong việc xử phạt vi phạm.

Đơn cử, như mặt hàng nông sản đi lấy mẫu rất nhiều nhưng số vi phạm lại ít nên băn khoăn về cách xử phạt, khi đi kiểm tra phải mất 3 - 4 ngày mới có kết quả. Tuy nhiên nếu kết quả có sai phạm thì họ đã bán hết, tẩu tán hàng hoá, không thể thu giữ hay phạt được.

Phát hiện thiếu vệ sinh khu chế biến thực phẩm ở một siêu thị TP.HCM- Ảnh 2.

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM trả lời báo chí tại cuộc họp

ẢNH: DU YÊN

Ngoài ra, theo bà Lan chưa thể kiểm được 100% số thịt heo có an toàn hay không vì các lò nhỏ lẻ số lượng rất nhiều, đa số hàng hóa đều chuyển về TP.HCM. Trong khi đó, lực lượng kiểm tra của Sở An toàn thực phẩm TP.HCM có 10 đội, số nhân lực ít không thể kiểm soát hết, toàn diện.

“Chúng tôi tập trung kiểm tra ở các chợ đầu mối, các chợ truyền thống. Ở các hệ thống siêu thị đôi khi hơi chủ quan, chúng tôi sẽ chấn chỉnh lại, giám sát siết chặt hơn”, bà Lan nói.

Phát hiện thiếu vệ sinh khu chế biến thực phẩm ở một siêu thị TP.HCM- Ảnh 3.

Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu tại buổi làm việc

ẢNH: DU YÊN

Kết luận buổi kiểm tra, ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lưu ý Sở An toàn thực phẩm TP.HCM cần tăng cường công tác kiểm tra thanh tra đột xuất nhất là trong dịp cao điểm Tết Nguyên đán.

Đặc biệt, ông Nam lưu ý cần kiểm tra kỹ, gắt gao các cơ sở giết mổ heo ở các khu vực giáp ranh với các tỉnh tránh để thịt heo bẩn, không rõ nguồn gốc xuất xứ đi vào các chợ, siêu thị.

Bên lề cuộc họp, bà Phạm Khánh Phong Lan cho biết, 1 tháng trước tết Sở An toàn thực phẩm TP.HCM tập trung nhiều vào khâu sản xuất, hiện nay thì tập trung nhiều vào khâu kinh doanh.

“Khi tết đến nhu cầu của người dân gia tăng, trong khi kinh tế còn đang khó khăn cho nên có một bộ phận người dân có xu hướng lựa chọn hàng hóa buôn bán vỉa hè, bất hợp pháp, không có kiểm soát chất lượng. Hiện giờ chúng tôi chỉ mới có thể kiểm soát các cơ sở sản xuất, buôn bán hợp pháp có thẩm định, có cấp phép. Những buôn bán nhỏ lẻ thì quá phức tạp, nguy cơ mất an toàn thực phẩm rất nhiều. Rất mong người dân hãy tự bảo vệ mình và gia đình. Hãy mua, chế biến thực phẩm đúng cách đảm bảo an toàn”, bà Lan cảnh báo.

Thực hiện kế hoạch đảm bảo an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán 2025, tuyến thành phố, quận, huyện, phường xã đã tổ chức 316 đoàn, số cơ sở được kiểm tra 1.692 cơ sở. Kết quả phát hiện 47 cơ sở vi phạm, số tiền xử phạt 63,8 triệu đồng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.