Người bận rộn không tập thể dục, chỉ cần leo cầu thang, quét nhà vẫn sống thọ

03/10/2023 00:07 GMT+7

Nghiên cứu mới, được công bố trên tạp chí khoa học The Lancet Public Health, đã phát hiện ngay cả những người không thể hoặc không có thời gian tập thể dục, chỉ cần leo cầu thang, quét nhà hay lau nhà nhanh là đã tăng khả năng sống thọ.

Theo đó, các đợt tăng tốc trong công việc hằng ngày có thể giúp giảm nguy cơ đau tim, đột quỵ và cả tử vong sớm.

Nghiên cứu quốc tế do Đại học Sydney (Úc) dẫn đầu, phối hợp với các nhà khoa học Anh, thực hiện, đã sử dụng dữ liệu của 25.241 người từ 42-78 tuổi được đeo thiết bị đo hoạt động thể chất.

Phát hiện tin vui giúp người bận rộn không tập thể dục vẫn sống thọ - Ảnh 1.

Ngay cả người không thể hoặc không có thời gian tập thể dục, chỉ cần leo cầu thang, quét nhà hay lau nhà nhanh là đã tăng khả năng sống thọ

SHUTTERSTOCK

Các nhà nghiên cứu đã phân tích hình thức hoạt động thể chất ở những người không tập thể dục, được theo dõi trong gần 8 năm, nhằm tìm hiểu độ dài và cường độ của các đợt tăng tốc trong công việc hằng ngày tác động thế nào đến sức khỏe.

Các tác giả nhận thấy 97% các hoạt động thể chất của họ là từ những lần tăng tốc ngắn dưới 10 phút trong công việc hằng ngày.

Kết quả đã phát hiện các lần tăng tốc ngắn dưới 10 phút trong công việc hằng ngày với cường độ vừa phải đến mạnh mẽ đã giúp giảm mạnh các biến cố tim mạch lớn như đau tim hoặc đột quỵ và tử vong sớm do mọi nguyên nhân, theo trang web của Đại học Sydney University of Sydney.

Đặc biệt, cử động thật nhanh trong ít nhất 1-3 phút mang lại lợi ích nhiều hơn đáng kể - giảm đến 29% nguy cơ, so với các đợt tăng tốc ngắn dưới 1 phút.

Và thời gian tăng tốc càng dài thì càng tốt, những người tăng tốc đến mức phải thở gấp trong khoảng 15% thời gian của mỗi công việc (ví dụ cứ 1 phút làm một công việc nào đó thì tăng tốc làm thật nhanh trong 10 giây) - nhận được lợi ích lớn nhất.

Phát hiện tin vui giúp người bận rộn không tập thể dục vẫn sống thọ - Ảnh 2.

Lý tưởng nhất là cử động thật nhanh trong ít nhất 1-3 phút mỗi lần

SHUTTERSTOCK

Các lần tăng tốc trong ít hơn 1 phút cũng có lợi nếu chiếm 15% thời gian làm công việc đó.

Tác giả chính của nghiên cứu, tiến sĩ Emmanuel Stamatakis, giáo sư về hoạt động thể chất tại Đại học Sydney cho biết: Nghiên cứu này cho thấy mọi người có thể giảm nguy cơ mắc các biến cố tim mạch lớn bằng cách tăng tốc trong công việc hằng ngày, lý tưởng nhất là cử động thật nhanh trong ít nhất 1 - 3 phút mỗi lần.

Đồng tác giả, tiến sĩ Matthew Ahmadi, nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Đại học Sydney, cho biết: Điều này có thể mang lại lợi ích sức khỏe tương đương với các lần tăng tốc kéo dài 5-10 phút.

Giáo sư Stamatakis kết luận: Bất kỳ loại hoạt động nào cũng tốt cho sức khỏe, nhưng càng nỗ lực nhiều hơn vào những công việc hằng ngày và duy trì nỗ lực đó càng lâu thì càng gặt hái được nhiều lợi ích.

Ông lưu ý: Miễn là phải tăng tốc đến mức phải thở gấp và không thể nói chuyện trong khoảng thời gian đó, theo University of Sydney.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.