Các nhà nghiên cứu gợi ý rằng sử dụng máy đếm bước chân có thể khuyến khích mọi người đi bộ nhiều hơn, từ đó giúp cải thiện sức khỏe, theo tạp chí nghiên cứu Studyfinds.
Thử nghiệm do các nhà khoa học tại Đại học Michigan (Mỹ) thực hiện, bao gồm 425 bệnh nhân suy tim tham gia.
Các tác giả đã cho điểm bệnh nhân theo thang điểm từ 0 đến 100 dựa trên tình trạng thể chất, triệu chứng, chất lượng cuộc sống và những hạn chế về mặt xã hội. Điểm cao hơn có nghĩa là có sức khỏe tốt hơn. Mỗi người tham gia được đeo thiết bị theo dõi sức khỏe trong 12 tuần.
Nhóm nghiên cứu nhận thấy những người đi bộ nhiều hơn có thể lực tốt hơn và cũng ít gặp các triệu chứng hơn.
Sau 2 tuần, điểm trung bình về thể chất là 55,7/100 và điểm về triệu chứng là 62,7/100.
Kết quả là vào tuần thứ 12, toàn bộ người tham gia đã tăng thói quen đi bộ, dẫn đến điểm thể chất tăng thêm 4 điểm và điểm về triệu chứng cũng tăng thêm 2,5.
Số bước càng cao thì điểm về thể chất và điểm về triệu chứng cũng càng cao.
Cụ thể, nghiên cứu cho thấy những người đi bộ chỉ được trung bình 2.473 bước mỗi ngày, thường xuyên gặp các triệu chứng suy tim hơn, với tổng số điểm về triệu chứng trong khoảng từ 0 đến 24.
Nhưng những người đi bộ trung bình 5.351 bước hằng ngày, điểm số đã lên tới 75 đến 100.
Tác giả nghiên cứu, bác sĩ Jessica Golbus, tại khoa Tim mạch Đại học Michigan, cho biết: Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy càng đi bộ nhiều càng cải thiện tình trạng sức khỏe, nghĩa là tăng số bước theo thời gian có thể có ý nghĩa lâm sàng.
Đặc biệt, những người tăng số bước hằng ngày từ 1.000 lên mức 5.000 bước đã gặt hái lợi ích nhiều nhất, theo Studyfinds.
Nhưng vượt quá 5.000 bước thì không tăng thêm lợi ích. Ngoài ra, đi được 2.000 bước cũng tăng thêm 3,11 điểm so với chỉ đi 1.000 bước. Và đạt được 3.000 bước cũng tăng thêm 2,89 điểm so với đi được 2.000 bước.
Bình luận (0)