Tờ The Guardian ngày 21.3 đưa tin các nhà khoa học vừa phát hiện hộp sọ hóa thạch của một loài cá heo khổng lồ từng sống ở sông Amazon cách đây 16 triệu năm, được cho là loài từng rời khỏi đại dương để đến sinh sống ở các con sông tại Peru.
Loài cá heo mới phát hiện được đặt tên khoa học là Pebanista yacuruna có thể dài đến 3,5 m và là loài cá heo nước ngọt lớn nhất từng được biết đến.
Nhà cổ sinh vật học Rodolfo Salas cho biết loài cá heo này được đặt theo Yacuruna, một sinh vật thần thoại Peru sống ở vùng nước sâu.
Phát hiện mới phản ánh nguy cơ đối với những loài cá heo nước ngọt hiện hữu, tất cả đều đối diện nguy cơ tuyệt chủng trong 20-40 năm tới, theo nhà khoa học Aldo Benites-Palomino dẫn đầu nhóm nghiên cứu trong bài báo đăng trên chuyên san Science Advances.
Chuyên gia này cho biết nó thuộc họ cá heo Platanistoidea thường được tìm thấy ở các đại dương cách đây 24 triệu đến 16 triệu năm.
"Những con cá heo sông còn sống sót là những gì còn lại của những nhóm cá heo biển từng rất đa dạng, được cho là đã rời đại dương để tìm nguồn thức ăn mới ở các sông nước ngọt", theo ông Benites-Palomino, người hiện là nghiên cứu sinh tại khoa cổ sinh vật học của Đại học Zurich (Thụy Sĩ).
Ông phát hiện hóa thạch từ năm 2018 nhưng nghiên cứu bị hoãn do đại dịch Covid-19.
Những hóa thạch nào được mang tên "Rồng"?
Ông Marcelo R Sánchez-Villagra, giám đốc khoa cổ sinh vật học của Đại học Zurich, cho biết phát hiện này rất thú vị: "Sau 2 thập niên làm việc ở Nam Mỹ, chúng tôi đã tìm thấy một số dấu vết khổng lồ trong khu vực, nhưng đây là loài cá heo đầu tiên thuộc loại này".
Một vấn đề chung mà cá heo sông phải đối diện là nguy cơ tuyệt chủng sắp xảy ra, bao gồm đối với cả họ hàng gần nhất của hóa thạch là loài cá heo sông Hằng và sông Ấn . Phát triển đô thị, ô nhiễm và khai thác mỏ là những nguyên nhân chính và cũng là những nguyên nhân đẩy loài cá heo sông Dương Tử đến bờ vực tuyệt chủng, theo ông Sánchez-Villagra.
Bình luận (0)