Cầu nối quan trọng của Đảng, chính quyền với nhân dân
Phát biểu tại phiên khai mạc, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đánh giá, suốt 94 năm qua, MTTQ VN không ngừng lớn mạnh, khẳng định vai trò, sứ mệnh trong việc phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, khích lệ, cổ vũ, động viên nhân dân ta hăng hái tham gia các phong trào thi đua yêu nước, khơi dậy, phát huy các nguồn lực, sức sáng tạo, góp phần thực hiện thành công những nhiệm vụ chiến lược của đất nước.
Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, với những thành tích đạt được trong thời gian qua, MTTQ VN xứng đáng với vai trò là liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; tổ chức nòng cốt trong phát huy truyền thống, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; cầu nối quan trọng của Đảng, chính quyền với nhân dân; phát huy vai trò chủ thể của nhân dân trong đời sống xã hội; đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh, đất nước đang đứng trước cơ hội lịch sử bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Đó là kỷ nguyên dưới sự lãnh đạo của Đảng, xây dựng thành công nước VN dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; đến giữa thế kỷ 21 nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
Để thực hiện mục tiêu đó, theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, việc khơi dậy tinh thần yêu nước, khát vọng cống hiến, ý chí tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc có ý nghĩa then chốt.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng chỉ rõ, cần thống nhất nhận thức về vị trí, tầm quan trọng đặc biệt của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và yêu cầu cấp bách, hơn bao giờ hết, ưu tiên hàng đầu củng cố, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng.
"Đây là một trong những giải pháp then chốt đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khẳng định và nêu rõ, trong giai đoạn hiện nay, MTTQ cần làm tốt vai trò nòng cốt, chủ trì phối hợp với các tổ chức thành viên đoàn kết các giai tầng, các cá nhân tiêu biểu, phát huy cao độ vai trò tiên phong của giai cấp công nhân, khơi dậy tiềm năng to lớn của giai cấp nông dân, đội ngũ trí thức và người lao động, bảo đảm thống nhất cao về nhận thức, tư tưởng và hành động, kiên định mục tiêu, lý tưởng xã hội chủ nghĩa.
MTTQ phải là tiếng lòng của nhân dân
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cũng lưu ý, MTTQ phải chăm lo, bảo vệ lợi ích thiết thực, chính đáng, hợp pháp của nhân dân; mục tiêu cao nhất là phục vụ nhân dân, làm cho cuộc sống của nhân dân tốt đẹp hơn. Chủ động phối hợp với chính quyền các cấp giải quyết có hiệu quả những vấn đề xã hội bức xúc ngay tại cơ sở. Tích cực tập hợp, lắng nghe ý kiến nhân dân, thật sự trở thành chỗ dựa tin cậy, tiếng lòng của nhân dân để phản ánh với cấp ủy, chính quyền các cấp.
Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, MTTQ cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ, phát huy vai trò nòng cốt của Mặt trận trong triển khai sâu rộng các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước chất lượng cao, thiết thực, với sự hài lòng của nhân dân; thi đua thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển KT-XH của đất nước trong thời kỳ mới. Tập hợp, phát huy tối đa vai trò, sự đóng góp của các nhà khoa học, các chuyên gia, các cá nhân tiêu biểu trong các tầng lớp nhân dân, các dân tộc, các tôn giáo và cộng đồng người VN ở nước ngoài đối với sự phát triển đất nước.
"Tôi đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ, thường xuyên hơn nữa với Mặt trận, chân thành, cầu thị, lắng nghe, tận tâm, tận lực giải quyết công việc của dân", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước lưu ý.
Cùng đó, tiếp tục bổ sung, hoàn thiện chủ trương, chính sách, pháp luật nhằm huy động mọi nguồn lực, phát huy tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc, sức sáng tạo của các giai tầng xã hội, mọi tổ chức và cá nhân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc VN xã hội chủ nghĩa.
"Chúng ta tin tưởng sâu sắc rằng MTTQ VN các cấp sẽ tiếp tục đổi mới, chủ động, sáng tạo, tập hợp đông đảo, bền chặt các tầng lớp nhân dân cùng chung sức, đồng lòng, phát huy truyền thống yêu nước, bản lĩnh và sức mạnh con người VN, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tranh thủ thời cơ, vận hội mới, tự chủ, tự hào, vững tin bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc VN; tất cả vì mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh.
Tạo điều kiện để người dân đóng góp xây dựng Đảng, chính quyền
Trong diễn văn khai mạc, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ VN Đỗ Văn Chiến đề nghị các đại biểu đóng góp nhiều ý kiến phản ánh tâm tư, nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân. Cùng nhau bàn bạc thống nhất phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, hiến kế nhiều cách làm sáng tạo, phù hợp, khả thi, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu đại hội đề ra. "Với niềm tin tưởng sâu sắc vào sự lãnh đạo của Đảng, niềm tin tất thắng vào chủ nghĩa xã hội, tiền đồ tươi sáng của dân tộc, nhất định đất nước ta sẽ bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình phát triển của dân tộc, xây dựng đất nước VN thân yêu của chúng ta phát triển phồn vinh, hạnh phúc, sánh vai với các cường quốc năm châu, như Bác Hồ kính yêu hằng mong ước", ông Chiến khẳng định.
Trong báo cáo chính trị, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Ủy ban T.Ư MTTQ VN khóa IX Nguyễn Thị Thu Hà cho biết, đại hội đề ra 6 chương trình hành động cụ thể của nhiệm kỳ 2024 - 2029. Trong đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đổi mới mạnh mẽ, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, vận động, tập hợp đoàn kết các tầng lớp nhân dân. Tạo điều kiện để người dân đóng góp xây dựng Đảng, chính quyền và hiến kế xây dựng đất nước.
Đề xuất cho người VN ở nước ngoài ứng cử đại biểu Quốc hội
Tham luận tại đại hội, ông Hoàng Đình Thắng, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ VN, Chủ tịch Liên hiệp hội VN tại châu Âu, đề xuất bổ sung các quy định cho phép công dân VN ở nước ngoài được quyền tham gia bầu cử, ứng cử đại biểu Quốc hội. Ông Thắng cũng đề nghị Đảng, Nhà nước sớm có quyết sách mang tính đột phá để tạo thuận lợi cho kiều bào ta được trở lại quốc tịch VN, đồng thời giữ quốc tịch nước ngoài. Ông cho biết thời gian qua, nhiều quốc gia trên thế giới thay đổi chính sách quốc tịch đối với người nhập cư, nhiều quốc gia đã có chính sách đa quốc tịch. Do đó, nhiều bà con người Việt đã xin thôi quốc tịch VN để vào quốc tịch nước ngoài trước đây, nay có nguyện vọng trở lại quốc tịch VN, đồng thời giữ quốc tịch nước ngoài.
Ông Thắng giải thích, nguyện vọng này của bà con nhằm mục đích giữ mối liên hệ chặt chẽ về mặt pháp lý với Nhà nước VN và truyền cho các thế hệ sau. Mặc dù đã có một số quy định của pháp luật về vấn đề này, tuy nhiên triển khai trên thực tế rất khó khăn, dẫn đến rất ít người đáp ứng được trong khi số người có nguyện vọng rất nhiều.
Bình luận (0)