Ngày 26.10, tại Hà Nội, T.Ư Đoàn, Học viện Thanh thiếu niên VN đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến của sinh viên, thanh niên cơ quan T.Ư Đoàn góp ý dự thảo văn kiện ĐH Đảng toàn quốc lần thứ 12, dưới sự chủ trì của Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Anh Tuấn.
Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Anh Tuấn phát biểu tại hội nghị - Ảnh: Phan Hậu
|
Khơi dậy lòng yêu nước, tự hào dân tộc
Bày tỏ ủng hộ khi dự thảo văn kiện ĐH Đảng lần này đặt mục tiêu xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao là chìa khóa phát triển kinh tế, đưa đất nước hội nhập, Cao Thị Thúy Anh, sinh viên (SV) học viên Thanh thiếu niên VN cũng chia sẻ băn khoăn học phí đang là gánh nặng của học sinh, SV. Ngay ở trường Thúy Anh đang học vẫn có SV không đủ tiền nộp học phí. Nhưng mới đây, Bộ GD-ĐT trình Chính phủ dự thảo lộ trình xin tăng học phí khiến nhiều SV lo lắng. “Đảng và Nhà nước nên dành nhiều nguồn lực đầu tư cho giáo dục, giảm áp lực học phí; nếu tiếp tục tăng học phí thì khó cho thanh niên, SV tiếp cận cơ hội học tập”, Thúy Anh kiến nghị.
Thúy Anh cho rằng, để tạo ra sức mạnh hội nhập của đất nước, đổi mới giáo dục không chỉ chú trọng đổi mới phương pháp dạy học mà cần đặt mục tiêu xây dựng chương trình giáo dục thanh thiếu nhi kỹ năng xã hội, khơi dậy và bồi đắp tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc. Đặt nội dung này quan trọng như giảng dạy kiến thức, nếu có tinh thần yêu nước, tự hào về dân tộc mình thì người trẻ tự thân tự nguyện phấn đấu, cống hiến hết mình cho đất nước và có bản sắc riêng khi hội nhập cùng thế giới.
Có chung quan điểm, anh Nguyễn Văn Khuê, cán bộ Ban Công tác thiếu nhi T.Ư Đoàn đề xuất văn kiện ĐH Đảng toàn quốc khóa 12 cần xác lập và khẳng định phát huy nhân tố con người, bên cạnh tiêu chí phẩm chất đạo đức, trình độ nhận thức, năng lực trí tuệ thì khơi dậy, phát huy tinh thần yêu nước, tự hào văn hóa dân tộc trong mỗi người dân; tạo ra sức mạnh nội sinh trong quá trình hội nhập quốc tế.
Thu hút, trọng dụng nhân tài ngoài Đảng
Cho rằng dự thảo văn kiện ĐH Đảng toàn quốc lần thứ 12 cần sự đổi mới trọng dụng nhân tài, TS Phạm Bá Khoa, Giám đốc Bảo tàng Tuổi trẻ VN kiến nghị, nên “tháo” bỏ chủ nghĩa lý lịch, chủ nghĩa thành phần trong quy hoạch, trọng dụng nhân tài. Nhìn lại trong lịch sử, sau Cách mạng Tháng 8.1945, nhiều nhân sĩ, trí thức dù chưa phải là đảng viên nhưng có tài, có đức được nhân dân và Bác Hồ tín nhiệm giao giữ những vị trí lãnh đạo, đóng góp xuất sắc trong xây dựng đất nước. “Không phải chỉ có đảng viên mới là người tài đức. Sau ĐH Đảng tới đây là bầu cử Quốc hội, xin kiến nghị Đảng và Nhà nước mạnh dạn lựa chọn, tin tưởng, giới thiệu để dân bầu vào các cơ quan công quyền những người có tài có đức nhưng chưa phải là đảng viên”, TS Khoa nêu vấn đề. Giảng viên Học viện Thanh thiếu niên VN Ngô Thế Nghị cho rằng, trên thực tế việc trọng dụng nhân tài ngoài Đảng chưa nhiều, cần làm rõ có sự vướng mắc về cơ chế chính sách hay vẫn còn có những e dè trong nhận thức chính trị. Đất nước hiện có nhiều nhân sĩ, trí thức giỏi nhưng không phải là đảng viên vì những lý do khác nhau nên đặt ra lộ trình xây dựng cơ chế, chính sách để trọng dụng, thu hút người tài vào bộ máy lãnh đạo.
Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Anh Tuấn bày tỏ, đang có thực tế đáng buồn khi nhiều tài năng trẻ VN ra nước ngoài học tập nhưng sau đó không muốn về nước làm việc. Ngoài khó khăn về điều kiện, môi trường làm việc thì cơ chế, chính sách vẫn còn nhiều bất cập, từng bước phải sửa đổi. Trong thế giới phẳng, không nhất thiết phải trở về quê hương mới có thể đóng góp cho đất nước. “Đảng, Nhà nước cần ghi nhận và khẳng định lực lượng trí thức trẻ VN đã thành công ở nước ngoài là nguồn lực quý xây dựng, phát triển đất nước nhưng về mặt cơ chế, chính sách cần có sự quan tâm đặc biệt, tạo môi trường bình đẳng, điều kiện thuận lợi, khích lệ tinh thần tự hào dân tộc, cổ vũ đội ngũ này tích cực tham gia đóng góp vào quá trình xây dựng phát triển kinh tế, xã hội của đất nước”, anh Tuấn nói.
Bình luận (0)