Một trong những đóng góp thiết thực nhất của kiều bào là kiều hối. Đó là những khoản tiền gửi về quê hương, từ việc hỗ trợ gia đình, người thân cho đến đầu tư kinh doanh, góp vốn vào các dự án xã hội, xây dựng cộng đồng.
Nhiều năm liền, VN luôn nằm trong top 10 quốc gia trên thế giới và top 3 tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhận kiều hối nhiều nhất. Theo thống kê, trong hơn 30 năm qua, tổng lượng kiều hối gửi về nước đạt hơn 200 tỉ USD, tương đương lượng giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong cùng thời gian.
Năm 2024, lượng kiều hối về VN ước đạt khoảng 16 tỉ USD. Trong đó TP.HCM - nơi có hơn 2,8 triệu kiều bào gắn bó - đóng góp gần 9,6 tỉ USD, chiếm khoảng 60% tổng lượng kiều hối cả nước, tương đương gần 48% tổng thu ngân sách của TP.HCM trong năm 2024 (508.553 tỉ đồng). Đây chính là nguồn ngoại tệ ổn định, không chỉ giúp tăng dự trữ ngoại hối quốc gia mà còn góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Nhìn lại sau mấy chục năm, cộng đồng người VN ở nước ngoài đã có nhiều thay đổi. Nếu như thế hệ kiều bào trước đây chủ yếu rời quê hương do chiến tranh và phải lao động cật lực để thích nghi, ổn định cuộc sống ở xứ người, thì thế hệ trẻ ngày nay phần lớn sinh ra, lớn lên ở nước ngoài hoặc di cư vì mục tiêu học tập, kinh tế, kết hôn. Họ thường chọn định cư tại các quốc gia phát triển để có được môi trường giáo dục và cơ hội nghề nghiệp tốt.
Điều này có nghĩa là kiều bào ta ngày càng hội nhập sâu rộng vào môi trường quốc tế. Đặc biệt, thế hệ kiều bào sinh vào những thập niên 1980, 1990 và 2000 đã phát triển kỹ năng hội nhập vượt trội. Họ trẻ và giỏi, không chỉ có kinh tế, có tri thức hiện đại, mà còn có khả năng kết nối với các mạng lưới chuyên gia quốc tế, mở ra những cơ hội hợp tác lớn cho đất nước. Từng có người ví von thế hệ kiều bào trẻ là "mỏ vàng" (gồm kinh tế lẫn chất xám) chưa được khai thác hiệu quả.
Trong bối cảnh VN đang chuyển mình hướng tới các lĩnh vực mới như kinh tế xanh, chuyển đổi số và công nghệ cao, cần huy động nguồn lực lớn từ xã hội thì việc thu hút nguồn lực kiều bào, không chỉ là một nhiệm vụ, là cơ hội để VN bước nhanh hơn trên con đường phát triển bền vững, mà còn là nhu cầu thực tế của kiều bào. Thế hệ du học sinh, kiều bào trẻ rất muốn tham gia xây dựng quê hương, từ việc mua nhà đến đầu tư bất động sản, mua trái phiếu… Nhưng cái mà họ gặp khó là thiếu thông tin và rào cản về hành chính.
Do vậy, để khơi thông và tạo động lực để phát huy tiềm năng của kiều bào trẻ trong phát triển quê hương, cần chính sách, cơ chế và tư duy đột phá.
Đó có thể là giải pháp thành lập các quỹ liên quan đến kiều hối, trái phiếu, hỗ trợ kiều bào trẻ đầu tư các dự án trong nước, nhất là trong lĩnh vực công nghệ và chuyển đổi số. Đó cũng có thể là phát triển hệ thống ngân hàng quốc tế, đầu tư mạnh vào công nghệ tài chính hay tạo ra chính sách ưu đãi và hỗ trợ kiều bào đầu tư. Và với bất kỳ giải pháp nào, điều kiện cần là cung cấp đầy đủ thông tin và minh bạch hóa quy trình đầu tư, tạo sự an tâm và khuyến khích kiều bào trẻ tự tin đóng góp cho quê hương.
Bình luận (0)