Tạo thế chân kiềng vững chắc
“Tiếp tục kết hợp chặt chẽ giữa các trụ cột đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân và giữa đối ngoại với quốc phòng, an ninh để tạo thế chân kiềng vững chắc, giữ vững chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, huy động nguồn lực bên ngoài cho phát triển đất nước”, Phó thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh nói.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cũng nhấn mạnh dù có vị trí, chức năng, vai trò và lợi thế khác nhau, song 3 trụ cột đối ngoại có quan hệ rất chặt chẽ và bổ trợ lẫn nhau bởi cùng thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng với mục tiêu chung vì lợi ích quốc gia, dân tộc. “Việc triển khai đồng bộ, phối hợp chặt chẽ và nhuần nhuyễn đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân sẽ phát huy thế mạnh của từng trụ cột đối ngoại, tạo nên sức mạnh tổng hợp của nền ngoại giao Việt Nam. Đây vừa là truyền thống và bài học quý báu, vừa là nghệ thuật độc đáo của đối ngoại cách mạng Việt Nam, cần tiếp tục gìn giữ và phát huy trong giai đoạn mới”, ông Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh.
Trưởng ban Đối ngoại T.Ư Lê Hoài Trung cũng khẳng định, với vai trò là cơ quan tham mưu cho Ban Chấp hành T.Ư, trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong lĩnh vực đối ngoại, Ban Đối ngoại T.Ư sẽ tập trung bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất của Đảng, sự quản lý tập trung của Nhà nước đối với các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế. Cùng với đó là tăng cường phối hợp chặt chẽ với các cơ quan đối ngoại, các ban, bộ, ngành, cả T.Ư, địa phương, trong đó đặc biệt chú ý phối hợp chặt chẽ, bảo đảm sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa 3 trụ cột đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, tạo sự gắn bó thống nhất, chặt chẽ, đồng bộ và toàn diện giữa phát huy lợi thế và “phân vai” hiệu quả giữa các binh chủng đối ngoại, tạo sức mạnh tổng hợp của mặt trận đối ngoại.
Doanh nghiệp là trung tâm của kinh tế đối ngoại
Phát biểu về công tác đối ngoại nhân dân, Chủ tịch Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam Nguyễn Phương Nga kiến nghị cần đổi mới mạnh mẽ tư duy, nội dung và phương thức hoạt động đối ngoại nhân dân theo hướng đa dạng hóa, mở rộng phạm vi hoạt động, đối tác, lực lượng tham gia, thúc đẩy quan hệ với nhân dân các nước láng giềng, ASEAN, đối tác chiến lược, toàn diện, bạn bè truyền thống đi vào chiều sâu, thực chất, phục vụ các lợi ích an ninh, phát triển và vị thế của đất nước.
Đọc tham luận về hoạt động đối ngoại kinh tế, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên phân tích, trong bối cảnh mới, để tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế đối ngoại, cần tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng công tác thể chế, nhất là việc thể chế hóa kịp thời các quan điểm, đường lối của Đảng về kinh tế đối ngoại, bảo đảm phù hợp với các cam kết và thông lệ quốc tế. Bên cạnh đó, cần khẩn trương xây dựng chiến lược mới về hội nhập kinh tế quốc tế thông qua việc tham gia có chọn lọc các hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các FTA thế hệ mới; đồng thời tập trung triển khai có hiệu quả các FTA mà Việt Nam đã tham gia.
Ông Diên cũng cho rằng cần tập trung xây dựng, phát triển các ngành công nghiệp có tính chất nền tảng và hình thành các doanh nghiệp (DN) công nghiệp mạnh để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, kết nối với chuỗi cung ứng toàn cầu. “Cần đề cao vai trò của DN, xác định rõ DN là chủ thể, trung tâm trong các hoạt động kinh tế đối ngoại”, ông Diên nhấn mạnh và cho rằng cần tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN để duy trì và phát triển các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong mọi tình huống; tăng cường hỗ trợ DN trong quá trình thực hiện các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế; tiếp tục đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh và xuất, nhập khẩu hàng hóa.
“Đặc biệt là định hướng, hỗ trợ các DN Việt Nam đầu tư ra thị trường nước ngoài để tiếp cận công nghệ tiên tiến, tiếp thu kinh nghiệm quản lý và đưa lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc nhằm thay đổi tầm nhìn và kỹ năng lao động. Từ đó giúp DN Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế”, ông Diên kiến nghị.
Bình luận (0)