Thưa ông Lương Nguyễn Minh Triết, Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, vừa qua, UBND tỉnh Quảng Nam đã tổ chức lễ công bố quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Xin ông cho biết điểm nhấn trong đề án quy hoạch này là gì?
Ông Lương Nguyễn Minh Triết: Quy hoạch tỉnh Quảng Nam đóng vai trò hết sức quan trọng, xác định tầm nhìn dài hạn, mục tiêu phát triển cho từng ngành, lĩnh vực và hình thành khung định hướng phát triển chiến lược, giúp tỉnh nhận diện rõ tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội để tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện đảm bảo phát huy tối đa lợi thế so sánh, để tìm kiếm không gian mới, cơ hội phát triển mới, tạo nên những giá trị riêng có và khác biệt cho tỉnh.
Điểm nhấn trong đề án quy hoạch này là việc đã tích hợp được tất cả nội dung quan trọng, cần thiết trong phát triển và định hướng phát triển của tỉnh, bố trí không gian phát triển hài hòa, hợp lý dựa trên cơ sở quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung, chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và bền vững.
Ngoài ra, quy hoạch tỉnh lấy ý chí tự lực, tự cường, đoàn kết thống nhất, nỗ lực vượt qua khó khăn, bền bỉ của con người xứ Quảng làm nhân tố quyết định nội lực, vì sự phát triển của tỉnh và có tính cân đối hài hòa giữa bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế tạo động lực phát triển nhanh và bền vững. Phấn đấu đến năm 2030, Quảng Nam sẽ trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước; là cực tăng trưởng quan trọng của khu vực miền Trung - Tây nguyên. Năm 2050, phát triển toàn diện, hiện đại và bền vững; là trung tâm du lịch quốc tế quan trọng; có mạng lưới kết cấu hạ tầng đồng bộ theo hướng hiện đại…
Theo quy hoạch, tỉnh Quảng Nam sẽ tổ chức không gian hoạt động kinh tế - xã hội theo mô hình cấu trúc "2 vùng, 2 cụm động lực, 3 hành lang phát triển". Từ đâu mà tỉnh Quảng Nam định hướng theo mô hình cấu trúc này và liệu cách làm này có giúp tỉnh khai thác hết được các lợi thế sẵn có không thưa ông?
Cấu trúc không gian phát triển trong quy hoạch tỉnh đã bao quát toàn bộ địa giới hành chính của tỉnh, dựa trên các yếu tố về địa hình, tự nhiên, không gian phát triển; nằm trong các trục giao thông trọng yếu trên địa bàn, thuộc các tuyến hành lang kinh tế quốc tế Đông - Tây; liên kết theo trục Bắc - Nam của quốc gia; kết nối nội vùng và liên vùng theo các trục hành lang kinh tế ven biển; liên kết với không gian phát triển của các tỉnh, thành phố giáp ranh với Quảng Nam; khai thác lợi thế so sánh của các khu vực trong tỉnh.
Mô hình cấu trúc phát triển nêu trên đã được định hình và phát triển rõ nét trong thời gian qua, phù hợp với định hướng phát triển. Trong đó, làm mới những động lực cũ, tìm kiếm những động lực mới nhất là trong các lĩnh vực quan trọng có thể trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong tương lai.
Cụ thể, liên kết với TP.Đà Nẵng là đô thị, trung tâm kinh tế lớn của cả nước trong xây dựng kết cấu hạ tầng và phân bổ các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đào tạo nhân lực; liên kết giữa Khu kinh tế mở Chu Lai với Khu kinh tế Dung Quất để hình thành Trung tâm công nghiệp ven biển trọng điểm của khu vực duyên hải Trung bộ và cả nước; kết nối với vùng nam Lào, đông bắc Thái Lan thông qua tuyến đường bộ hành lang quốc tế đông - tây đi qua Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Nam Giang là cửa ngõ quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung ...
Tầm nhìn đến năm 2050 tỉnh sẽ hướng đến phát triển xanh và bền vững. Vậy trước và sau khi công bố quy hoạch, tỉnh Quảng Nam đã làm được gì, có những giải pháp trọng tâm nào để đảm bảo thực hiện tốt mục tiêu đã đề ra?
Quảng Nam là tỉnh chịu nhiều thiệt hại do thiên tai gây ra, việc khắc phục hậu quả này cần nguồn lực rất lớn và thời gian dài, ảnh hưởng đến chiến lược phát triển toàn diện và bền vững. Nhận thức được vấn đề này, tỉnh luôn xác định việc phát triển xanh và bền vững là một ưu tiên hàng đầu trong phát triển. Điều này, được thể hiện rõ với quan điểm không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế; phát triển kinh tế với tư duy kinh tế xanh, hài hòa với tự nhiên, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp; nhằm giảm thiểu chất thải phát sinh, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Để phù hợp với xu hướng phát triển trong tương lai, thời gian tới quy hoạch tỉnh đặt ra ưu tiên kiểm soát chặt chẽ về ô nhiễm môi trường, lựa chọn thu hút đầu tư với công nghệ tiên tiến, tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp, trong đó các ngành đều hướng đến sinh thái, hài hòa với thiên nhiên.
Thưa ông, Quy hoạch tỉnh Quảng Nam sau khi được công bố được cho sẽ mang theo nhiều kỳ vọng, tạo nền tảng quan trọng để đưa tỉnh Quảng Nam bước vào một giai đoạn phát triển mới. Đáng chú ý, Quảng Nam phấn đấu năm 2050 trở thành thành phố trực thuộc T.Ư. Vậy, để đạt được kết quả như đề án đề ra thì những người đứng đầu cần phát huy tinh thần trách nhiệm như thế nào?
Mục tiêu phát triển thành thành phố trực thuộc T.Ư là một thách thức rất lớn, thể hiện khát vọng phát triển của Quảng Nam. Để đạt được kết quả nêu trên, trước hết cần phải tổ chức triển khai thực hiện tốt quy hoạch, đặc biệt là khẩn trương trình ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Ngoài ra, cần xây dựng đội ngũ cán bộ - nhiệm vụ hàng đầu để hiện thực hóa khát vọng phát triển Quảng Nam. Trong đó, người đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng cơ quan, đơn vị, địa phương phải thực sự nêu gương, là người truyền cảm hứng về niềm tin, khát vọng cống hiến; có kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn, có tinh thần trách nhiệm, có bản lĩnh, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Bên cạnh đó, cần tiếp tục đổi mới tư duy, phong cách làm việc đảm bảo khoa học, chất lượng, hiệu quả. Đồng thời phải khắc phục triệt để biểu hiện chùn bước, làm "cầm chừng", "phòng thủ", "che chắn", giữ "an toàn", né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.
Phải cần nhận thức sâu sắc rằng "càng áp lực, khó khăn thì càng phải nỗ lực, quyết tâm cao hơn"; khơi dậy, thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần trách nhiệm, tư duy đổi mới, sáng tạo của con người Quảng Nam để biến mục tiêu và khát vọng trở thành hiện thực.
Vâng, xin cảm ơn ông!
Bình luận (0)