Phất lên nhờ nuôi heo siêu nạc

28/12/2012 09:49 GMT+7

Nhờ mạnh dạn áp dụng mô hình kinh tế đa canh, mỗi năm anh Lâm Sa Ni (34 tuổi, ngụ ấp Tân Hiệp, xã Tân Lợi, H.Tịnh Biên, An Giang) đạt lợi nhuận khoảng 400 triệu đồng, trở thành nông dân Khmer tiêu biểu của huyện.

Làm thuê kiếm tiền nuôi heo

Xuất thân trong một gia đình khó khăn ở miền Bảy Núi, lớn lên, anh Lâm Sa Ni đi bộ đội, rồi xuất ngũ trở về quê lập gia đình. Hằng ngày, vợ chồng anh Ni ra sức làm thuê, ai kêu gì làm nấy để cố gắng tích lũy vốn nuôi heo, cải thiện kinh tế gia đình. Một buổi anh Ni đi làm, còn một buổi ở nhà nuôi heo. Tuy nhiên, do lúc đầu anh chọn giống heo bản địa nên chăn nuôi không đạt hiệu quả. Thời gian sau, anh Lâm Sa Ni quyết định mở lò nấu rượu kết hợp với nuôi heo thịt. Thấy anh là người chí thú làm ăn, chính quyền địa phương cùng Hội Nông dân mời dự lớp tập huấn chăn nuôi heo siêu nạc và cách chọn con giống. Sau đó, anh Ni về mạnh dạn chuyển đổi con giống từ heo bản địa sang giống heo siêu nạc để nuôi.

Heo siêu nạc 
Trang trại heo siêu nạc của anh Lâm Sa Ni

Nói về quá trình nuôi heo, anh Lâm Sa Ni bộc bạch: “Mấy năm đầu nuôi giống heo cỏ rất chậm lớn, một năm chỉ xuất chuồng được 1 lần nên chẳng có lời. Sau đó được Hội Nông dân xã hướng dẫn mô hình nuôi heo siêu thịt, tôi hăng hái xuống trại giống Vĩnh Bình (H.Châu Thành) mua 2 con heo giống siêu nạc về nuôi thử. Chỉ sau 3 tháng rưỡi là xuất chuồng. Thấy ham quá, tôi bắt đầu mở rộng chuồng trại, tăng đàn lên 6 con, 8 con, rồi 24 con mỗi đợt”.

 Trung bình, mỗi năm anh Ni nuôi đến 3 đợt heo, xuất chuồng hơn 80 con, đạt lợi nhuận trên 200 triệu đồng. Anh Ni cho biết: “Chịu khó lấy công làm lời, sẵn tiện gia đình có nấu rượu nên lấy hèm cho heo ăn, đỡ tốn chi phí mua thức ăn công nghiệp. Ngoài ra, tôi còn đi hái rau muống, rau bợ ngoài đồng về cho heo ăn. Nhờ vậy mà lợi nhuận tăng gấp đôi so với những hộ nuôi heo khác”.

Muốn sản xuất hiệu quả phải ghi… nhật ký

Trong quá trình nuôi heo, anh Ni còn tỉ mỉ ghi sổ “nhật ký” để theo dõi đàn heo. Giở từng trang nhật ký cho chúng tôi xem, anh Lâm Sa Ni giải thích, phải ghi lại để theo dõi xem heo lúc nhỏ ăn thế nào, tốn bao nhiêu, bệnh thường gặp là gì. Kể cả khi heo lớn phối trộn thức ăn sao cho hiệu quả cũng phải ghi lại… Từ đó, anh mới rút ra được bài học kinh nghiệm trong quá trình nuôi heo cho vụ tiếp theo.

Cũng nhờ nuôi heo mà anh Lâm Sa Ni tích cóp vốn mua được 2,4 ha ruộng. Trong quá trình làm ruộng, anh cũng mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi giống lúa chất lượng cao nên mỗi ha đạt năng suất từ 8 - 9 tấn. Sau khi trừ tất cả các chi phí, mỗi vụ anh Ni thu nhập tròm trèm 40 triệu đồng. Anh Ni cho biết: “Xem báo đài thấy những mô hình trồng trọt hay, tôi lấy sổ ra ghi lại, rồi áp dụng theo. Tới vụ thu hoạch, lúa trúng thấy mà ham. Không dừng lại ở đó, tôi còn mua chiếc máy cày dùng để xới mướn cho các hộ trong xã, mỗi năm kiếm cũng được hơn 100 triệu đồng. Dự tính trong năm nay, tôi sẽ xây lại căn nhà tường khang trang. Hiện tại, tôi có 2 đứa con đang đi học, chúng nó học rất chăm chỉ. Mình làm kinh tế đạt hiệu quả nên cũng thường xuyên tuyên truyền vận động bà con cố gắng chuyển đổi giống cây trồng vật nuôi, để canh tác sao cho đạt lợi nhuận cao, giúp xóa đói giảm nghèo bền vững ở địa phương”.

Ông Lê Văn Ngọc, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Lợi,  nói: “Anh Lâm Sa Ni là một trong những nông dân Khmer còn rất trẻ, chí thú làm ăn, biết áp dụng kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất. Anh là nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh nhiều năm liền. Với việc áp dụng hiệu quả mô hình đa canh, anh Lâm Sa Ni xứng đáng là gương điển hình để đồng bào Khmer học tập.

Trường An

>> Mô hình giảm nghèo chăn nuôi gà thả vườn
>> Ngành chăn nuôi điêu đứng với thịt “ngoại”
>> Khẩn cấp tìm giải pháp cứu ngành chăn nuôi
>> Ngành chăn nuôi kêu cứu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.