Tại khu vực di sản thành nhà Hồ (huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hoá), những ngày áp Tết Nhâm Thìn - 2012 này, các nhà khảo cổ học đã khai quật con đường Hoàng gia nối khu vực cổng phía nam thành nhà Hồ với đàn tế Nam Giao, dài khoảng 2km, đã làm phát lộ con đường lát bằng đá xanh khá bằng phẳng bị vùi sâu phía dưới mặt đường hiện tại từ 60cm-1m.
Người phụ trách khai quật, TS Trần Anh Dũng - Viện Khảo cổ học - nhận định: “Chúng tôi chưa dám so sánh với các di sản tương tự trên thế giới; song có thể khẳng định đây là con đường đá cổ đẹp nhất VN được triều Hồ xây dựng vào những năm cuối thế kỷ XIV”.
Ngay từ khi chưa khai quật, nếu đứng trên nóc cửa nam thành nhà Hồ phóng tầm mắt về phía dãy Đốn Sơn - nơi còn di sản đàn tế thuộc loại nguyên vẹn bậc nhất nước Nam hiện nay, chúng ta đã cảm nhận được sự uy nghi của đường Hoàng gia.
|
Nó uy nghi ở đặc điểm thẳng tắp như thước Tàu và bởi sự trầm mặc cùng thời gian... Theo sử sách ghi lại thì “huyết mạch” giao thông này là nơi vua đi từ khu vực nội thành xuống dãy Đốn Sơn để làm lễ tế trời đất cầu cho quốc thái dân an, mùa màng bội thu.
TS Đỗ Quang Trọng - GĐ Trung tâm Bảo tồn di sản thành nhà Hồ - cho biết: Bản thân cửa nam là một tượng đài kiến trúc trong lịch sử kiến trúc của VN. Trải qua hơn 600 năm cộng với sự phong hóa, cổng thành này bị lùn đi so với thực tế. Mục đích của việc khai quật nhằm lấy lại cốt đường thuở xưa các cụ đặt viên đá đầu tiên xây dựng nền móng tòa thành.
Việc làm này còn nhằm chứng minh tính chân xác, nguyên thủy của bản vẽ, sự nguyên vẹn, vẻ cổ kính, cân đối, vững chắc của di sản. Không phải chỉ giới khoa học và các nhà quản lý trong nước, mà chính ICOMOS (tổ chức đánh giá độc lập của UNESCO) đã đưa con đường Hoàng gia vào hồ sơ di sản là bởi họ tin tưởng, kỳ vọng vào sự hoành tráng nhất trong các con đường cổ thuộc những kinh thành ở khu vực Đông Nam Á.
Các nhà khoa học đặt niềm tin, cách khu vực cổng thành nam khoảng 100m sẽ tìm thấy mố cầu ba nhịp, năm nhịp, hoặc bảy nhịp. Điều này giúp cho chúng ta hiểu rõ hơn về mối quan hệ giữa thành và trì. Lâu nay con người mới biết đến 4 cổng chỉ là thành cao, hào sâu. Vậy sự liên kết giữa hai khối kiến trúc này như thế nào?
TS Trọng cho rằng, ngoài tính xác thực khi nghiên cứu còn tìm ra câu trả lời cho việc ra vào thành của đế vương bằng cách nào và liệu đây có phải chỉ thuần túy là thành trì quân sự không hay là một kinh đô nghiêm chỉnh! Theo TS Trần Anh Dũng thì dấu vết con đường cổ lát đá đã xuất lộ, cho thấy có chỗ lòng đường bị vùi sâu tới 1m, khi khai quật xong sẽ tôn lên sự hoành tráng cho thành nhà Hồ.
Chúng ta chỉ mới tìm thấy con đường vào cổng Đoan Môn ở Hoàng thành Thăng Long, nhưng nó được làm bằng ngói xếp hình hoa chanh. Nói tóm lại, tới thời điểm này có thể khẳng định đây là con đường đá cổ đẹp nhất nước. Người xưa phải bỏ bao công sức, sự kỳ công, trí thông minh để lắp ghép các khối đá rất khít và phẳng để tạo nên giao lộ cổ kính, trường tồn cùng thời gian.
Ngoài con đường đá còn tồn tại một cách khá nguyên vẹn với chiều dài khoảng 2km, quá trình khai quật bước đầu, các nhà khoa học đã tìm thấy nhiều di vật khảo cổ như chông sắt, mũi lao sắt, đạn đá... Tìm thấy nhiều đồ gốm sứ thời Lê, các trang trí kiến trúc bằng đá của các triều đại sau đó.
Cụ thể, những người thực hiện công tác khai quật vừa tìm thấy thành bậc chạm hình con sấu, những mảng trang trí kiến trúc bằng đá ráp sần sùi (đá cát kết) có từ thời Lý, điều này chứng minh cho mối quan hệ qua lại giữa thành nhà Hồ với Hoàng thành Thăng Long. Theo quyết định của Bộ VHTTDL thì đợt khai quật này mới chỉ gói gọn trong diện tích 1.500m2.
Sau khi khai quật xong phần nền đường, các đợt khai quật tiếp theo sẽ mở rộng sang hai bên cánh gà cổng thành phía nam, các cổng còn lại và cấu trúc bên trong gồm cung điện, hoàng cung để tìm hiểu kết cấu và trả lại đúng với giá trị của thành đá được gọi là kiệt tác này.
Đối với di sản thành nhà Hồ không chỉ đơn giản là tòa thành đá cổ kính, cân đối, vững chắc; nó còn bao gồm cả vùng đầm phá nối từ cổng thành phía bắc ra gần sông Mã; con đường Hoàng gia nối xuống khu vực đàn tế; khu vực công trường khai thác đá xây thành nằm trong dãy An Tôn; các di tích phụ cận.
Theo TS Đỗ Quang Trọng, khi khai quật xong con đường Hoàng gia, chúng ta sẽ làm cho cả thế giới phải sửng sốt bởi sự kỳ vĩ, toàn vẹn và sẽ mở ra hướng phát triển du lịch mới. Tuy nhiên, việc khai quật hết cả cung đường dài khoảng 2km này đòi hỏi phải có sự quan tâm từ các bộ, ngành trung ương.
Hiện tại, con đường Hoàng gia cũng chính là huyết mạch giao thông chính giữa đi qua các xã Vĩnh Tiến, thị trấn Vĩnh Lộc và xã Vĩnh Thành. Để làm phát lộ hết con đường cổ, trước tiên các ngành chức năng cần có giải pháp xây dựng tuyến đường mới phục vụ giao thông. Sau đó, khi khai quật hoàn chỉnh, đường Hoàng gia sẽ trở thành con đường di sản, đường du lịch dành cho người đi bộ, phương tiện thân thiện với môi trường phục vụ du khách trong và ngoài nước về tham quan di sản.
Theo Lao Động
Bình luận (0)