Phát lộ nhiều điều mới lạ ở điện Kính Thiên

17/12/2014 04:48 GMT+7

Đó là đường nước lớn thời Trần, có liên quan đến đường nước lớn thời Lý từng phát lộ cách đây 2 năm tại Hoàng thành Thăng Long, là bức tường lớn thời Lê Trung Hưng... Mỗi lần khai quật, Hoàng thành càng bộc lộ nhiều điều kỳ vĩ.

Đó là đường nước lớn thời Trần, có liên quan đến đường nước lớn thời Lý từng phát lộ cách đây 2 năm tại Hoàng thành Thăng Long, là bức tường lớn thời Lê Trung Hưng... Mỗi lần khai quật, Hoàng thành càng bộc lộ nhiều điều kỳ vĩ.

Đường nước thời Trần mới tìm thấy -  Ảnh: Trinh NguyễnĐường nước thời Trần mới tìm thấy -  Ảnh: Trinh Nguyễn
Những đường nước lớn cắt nhau

Sáng 16.12, PGS-TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ VN dành thời lượng lớn thuyết minh tại hố khai quật các đường nước mới được phát hiện tại khu vực chính điện Kính Thiên năm 2014. Cách đây 2 năm, Viện Khảo cổ học đã tìm thấy và công bố về đường nước lớn thời Lý. Giờ đây, những đường nước thời Trần tuy không sâu rộng bằng lại được tìm thấy. Tại hố khai quật 1, có một cống nước lớn thời Trần, chỗ rộng nhất là 1,8 m nối với đường nước lớn thời Lý. Phía bắc còn một đường ống nước ngầm bằng đất nung có xu hướng đổ vào đường nước này. “Đường nước thời Trần đè lên mặt nền sỏi thời Lý. Chúng ta có các di tích đan xen, chồng lấn lên nhau”, ông Tín nói.

Hồi năm 2012, đường nước lớn ở Hoàng thành đã thành một dấu hỏi lớn cho các nhà nghiên cứu. Họ có nhiều phỏng đoán. Đường nước nhằm thoát nước, cũng có thể là di tích tâm linh liên quan đến phong thủy. Nó cũng có thể là dấu tích nền móng. Có người còn bảo nó là công trình phòng thủ hoặc bể nước. Giờ đây, với những phát hiện mới, hệ thống đường nước ở Hoàng thành đã rộng lớn hơn trước. “Tôi cho rằng bây giờ với hệ thống như vậy, nhiều khả năng đó là hệ thống thoát nước”, GS Hoàng Văn Khoán nói.
Hiện vật men xanh thời Lê   

PGS-TS Trịnh Sinh đề nghị tìm hiểu xem dòng nước đó đổ ra đâu, có phải ra sông Tô Lịch hay không. Về điều này, GS Nguyễn Quang Ngọc, Giám đốc Trung tâm Hà Nội học cho rằng ở Hoàng thành Thăng Long trước có rất nhiều hồ nhỏ. Dòng nước có thể đã chảy ra đó. “Tôi cho rằng nước chảy ra sông ở Hoàng thành. Tại khu vực 18 Hoàng Diệu chúng ta đã tìm thấy cả thuyền trên sông ở đó”, TS Nguyễn Hồng Kiên (Viện Khảo cổ) nói. Theo TS Nguyễn Tiến Đông, đây chính là sông Ngọc chép trong sử sách.

Hiện vật bằng vàng hình rồng uốn cong

Cũng theo PGS-TS Tống Trung Tín, đợt khai quật này cho thấy dấu tích tường bao lớn của thời Trần, nằm song song với tường bao phát hiện vào năm trước. Cũng đã xuất hiện 3 kiến trúc có móng trụ được gia cố bằng ngói vụn. Trong đó rõ nhất là kiến trúc có 4 hàng chân cột, đã xuất lộ 3 gian và vẫn còn phát triển lên phía bắc. “Tuy dấu tích thời Trần nhiều, song nó bị phá hủy nghiêm trọng. Chúng ta cũng chưa tìm được tổ chức không gian thời Trần ở đây. Cả 3 kiến trúc tìm thấy không ăn nhập nhau. Đường nước thời Lý tổ chức rõ theo hướng bắc - nam. Nhưng (đường nước) thời Trần lại bị rẽ một cách khó hiểu”, ông Tín cho biết.

Chưa kể, năm nay còn phát hiện diện tích có 3 hàng cột. Đặc điểm này, theo ông Tín, là của kiến trúc hành lang. Ông cũng đặt giả thiết hành lang này đi kèm với đường nước lớn thời Lý. “Ta có thể giả định về kiến trúc không gian thời Lý với sân, đường nước, hành lang song song”, ông Tín nói.

Một móng tường bao lớn ở phía tây rộng 1,7 m, phía đông rộng 1,5 m cũng được tìm thấy. Theo các nhà khoa học, đây chính là kiến trúc thời Lê sơ. Móng tường với độ lớn như vậy cho biết đây là một tường lớn có mái. Vật liệu chủ yếu là gạch vồ đỏ, trong đó còn có viên khắc chữ Hán “Thu vật hương, Thu vật huyện” niên đại thời Lê sơ. “Chúng ta vẫn nghĩ rằng thời Lê Trung hưng, kinh tế không phát triển. Tuy nhiên, phát hiện quan trọng nhất là ta thấy thời Lê Trung hưng có các kiến trúc cực lớn. Khẳng định thế kỷ 17 là thời hưng thịnh của Lê Trung hưng”, GS Phan Huy Lê nói.

Đặc biệt, theo ông Tín, đây là lần đầu tiên phát hiện dấu tích móng trụ và nền lát gạch thời Lý ở khu vực trung tâm. “Có ý kiến suy đoán phải chăng đó là dấu tích sân đại triều thời Lý”, ông Tín nói.

Tuy còn băn khoăn về sân đại triều thời Lý song sân đại triều của thời Lê sơ lại được khẳng định. Đây là một nền sân lát ca rô rất đặc biệt, với những móng nhỏ. “Sân lớn nên phải tạo đường nước ngầm để thoát nước nhanh”, ông Tín cho biết.

Về hiện vật, các hiện vật tìm thấy trong đợt khai quật này khá phong phú. Trong đó nổi lên là nhiều loại hình ngói men xanh, men vàng thời Lê. Đặc biệt các nhà khảo cổ cũng phát hiện một hiện vật vàng. Hiện vật có hình rồng uốn cong, bên ngoài có hoa sen. “Tôi cho rằng với móng và mào giống thời Lý, thân uốn giống thời Trần, nhiều khả năng đây là hiện vật thời Lý muộn”, GS Hoàng Văn Khoán nói. Tuy nhiên, với chất liệu vàng và hình rồng, các nhà khoa học thống nhất ngay nó liên quan đến nhà vua. Rất có thể là vật đính trên mũ hoặc trang phục.    

Mở rộng nghiên cứu

Với những cuộc khai quật nối tiếp, nhận thức về Hoàng thành Thăng Long đã rõ ràng hơn. Tuy nhiên, nhiệm vụ của các nhà nghiên cứu vẫn còn trùng điệp.

“Bây giờ đã có thể nhận diện gạch ở Hoàng thành Thăng Long. Xếp viên nào lên bàn có thể nhận ngay ra đó là gạch thời nào”, TS Nguyễn Tiến Đông (Viện Khảo cổ) nói. “Kể cả các tảng cột cũng có thể nhận diện như vậy. Chất liệu sa thạch là của thời nào, chất liệu đá vôi ra sao. Chính vì thế, theo tôi cũng cần có nghiên cứu và công bố hệ thống về điều này”.

PGS-TS Lâm Mỹ Dung, Giám đốc Bảo tàng Nhân học lại nhấn mạnh việc với diện tích đào hiện nay, các nhà khảo cổ chưa thể kết nối những hố khai quật tại khu vực liên quan đến điện Kính Thiên. “Tôi đề nghị các hố khai quật sau này nên có diện tích lớn hơn”, bà Dung nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.