Thay vì tận hưởng trọn vẹn hương vị món ăn, nhiều người lại mải mê giơ điện thoại, chỉnh góc, canh sáng để chụp vài kiểu ảnh hoàn hảo. Mỗi món ăn được dọn ra là một lần cả bàn phải chờ đợi. Điều này làm món nguội ngắt, giảm hương vị, còn không khí bữa và ăn trở nên kém tự nhiên.
Khi được hỏi: "Bạn có thường xuyên chụp ảnh trước khi ăn không?", nhiều bạn trẻ vội gật đầu, xem đó như một thói quen khó bỏ. Hoàng Bảo Nhi, sinh viên Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, chia sẻ trước mỗi bữa ăn, Nhi và bạn bè thường chụp ảnh từng món, sau đó chỉnh sửa và đăng tải lên mạng xã hội.
"Mỗi lần thấy món ăn hấp dẫn mà chưa kịp chụp đã bị ai đó gắp trước, mình cảm thấy khó chịu. Cứ như thể mình đang ăn để chụp hình, chứ không phải để thưởng thức", Nhi chia sẻ.
Không chỉ dừng lại ở việc chụp ảnh, Nhi còn chịu áp lực từ lượt thích và bình luận trên mạng. "Nhiều khi đăng hình món ăn lên mạng mà ít tương tác, tự nhiên mình cảm thấy buổi ăn mất vui", Nhi nói.
Đồng quan điểm này, Trương Trần Thanh Thảo (25 tuổi), ngụ ở 270 Nguyễn Oanh, P.17, Q.Gò Vấp, TP.HCM, cho biết cô nàng thường xuyên bị bạn bè nhắc nhở vì thói quen chụp hình trước khi ăn uống. Thảo còn dành nhiều thời gian để sắp xếp bố cục tỉ mỉ: ly tách đặt góc nào, phụ kiện gì làm nền… để bức ảnh thêm lung linh. Nhưng điều này lại làm mọi người trong bàn ăn mất kiên nhẫn. "Mọi người cứ bảo mình chụp ít thôi để ăn. Nhưng nếu không làm vậy, bản thân cảm thấy như thiếu mất một điều gì đó", Thảo chia sẻ.
Tuy nhiên, không phải ai cũng thoải mái với thói quen này. Nguyễn Hoàng Long, sinh viên Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, bày tỏ sự khó chịu khi nhiều lần phải chờ đối phương chụp ảnh trong lúc bụng đói. "Sau khi chụp là khoảng lặng chỉnh ảnh khiến mình cảm thấy bơ vơ. Mình chỉ muốn bữa ăn là khoảng thời gian chia sẻ và tận hưởng, chứ không phải một buổi chụp hình tập thể", Long nói.
Long cho rằng đã đến lúc mọi người nên cân nhắc: chụp để lưu giữ kỷ niệm hay thực sự sống trong khoảnh khắc và tận hưởng. "Một bức hình đẹp không thể thay thế hương vị của món ăn hay những cuộc trò chuyện ý nghĩa bên người thân, bạn bè", Long nhấn mạnh.
Chụp ảnh đăng mạng xã hội coi chừng bị nghiện
Theo thạc sĩ Võ Minh Thành, giảng viên Khoa Tâm lý học, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, đây là một thói quen thường thấy ở mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ hiện nay.
Theo thạc sĩ Thành, trên mạng xã hội, có hẳn những cụm từ tiếng Anh dùng để miêu tả xu hướng chụp ảnh đồ ăn như camera eats first (máy ảnh ăn trước – nghĩa là chụp ảnh đồ ăn trước khi ăn) hoặc foodstagramming (đăng ảnh đồ ăn trên Instagram). Một khảo sát từ trang Social Media Psychology (Tâm lý học truyền thông mạng xã hội) cho thấy 23% người dùng Instagram trên toàn cầu có riêng một bộ ảnh đồ ăn được lưu lại, thường dưới dạng story (tin) hoặc qua tài khoản chỉ chuyên đăng ảnh món ăn.
Thạc sĩ Thành cho rằng việc chụp và đăng ảnh món ăn không đơn thuần là để thể hiện bản thân hay theo đuổi trào lưu. Đây còn là cách để ghi dấu ấn về những bữa ăn đáng nhớ. Một nghiên cứu trên Journal of Consumer Marketing (Tạp chí Tiếp thị người tiêu dùng) cho thấy chụp ảnh món ăn giúp người dùng cảm nhận hương vị rõ ràng hơn. Điều này có thể lý giải bởi khi chụp ảnh, họ dành thời gian ngắm kỹ món ăn, khơi dậy cả thị giác và khứu giác trước khi thưởng thức.
Đáng chú ý, nghiên cứu cũng phát hiện rằng những người thường xuyên chụp ảnh có xu hướng lựa chọn các món lành mạnh như salad nhiều hơn. Nguyên nhân là mạng xã hội có tác dụng như một chiếc gương phản chiếu, giúp người dùng chú ý hơn đến những gì họ ăn.
Thạc sĩ Thành chia sẻ việc thường xuyên xem lại ảnh hay bài đăng món ăn có thể giúp cá nhân ghi nhớ mình đã ăn uống ra sao, từ đó điều chỉnh chế độ dinh dưỡng phù hợp. Đây là một cách khoe ảnh đồ ăn theo hướng tích cực, giúp duy trì lối sống lành mạnh.
"Tuy nhiên, cái gì làm nhiều và lố quá cũng không tốt. Việc liên tục phải "chụp ảnh cúng mạng xã hội" trước khi ăn cũng sẽ gây ảnh hưởng tới những người ăn chung, lâu ngày trở thành hành vi nghiện", thạc sĩ Thành nhấn mạnh.
Ông Lê Anh Tú, Giám đốc điều hành iGem Agency, nhận định việc chụp ảnh đồ ăn đăng tải lên mạng xã hội không đơn thuần là nhu cầu cá nhân mà còn bị chi phối bởi thuật toán. Các thuật toán này thường ưu tiên hiển thị những nội dung nhận được nhiều tương tác, từ đó vô tình tạo nên một xu hướng "phải khoe" để thu hút sự chú ý.
Theo ông Tú, điều này không chỉ tác động đến cách mọi người sống mà còn khiến một số bạn trẻ rơi vào trạng thái căng thẳng. Áp lực phải ăn uống tại các địa điểm sang trọng hay chia sẻ những khoảnh khắc "đáng ghen tị" trên mạng xã hội có thể khiến họ cảm thấy tự ti nếu không theo kịp bạn bè. "Với người trưởng thành, điều này có thể không quá quan trọng. Nhưng đối với giới trẻ, nó dễ dàng trở thành nguồn cơn của sự so sánh, tự ti và thậm chí là áp lực tâm lý", ông Tú cho biết.
Ông Tú cũng nhấn mạnh rằng các nền tảng mạng xã hội hiện nay có khả năng định hướng dư luận thông qua thuật toán. "Nếu các nền tảng này giảm bớt sự ưu tiên cho những nội dung phô trương hoặc các chính sách quản lý can thiệp phù hợp, chúng ta mới có thể hạn chế được những tác động tiêu cực từ vấn đề này", ông Tú kết luận.
Bình luận (0)