Ký cam kết cho vui
Ngày 11.10, Sở GD-ĐT TP.HCM công bố và gửi về các trường danh sách 160 học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ trong thời gian từ ngày 19.8 đến ngày 30.9 do Công an TP.HCM cung cấp. Nhiều ý kiến cho rằng việc vi phạm này có lỗi của phụ huynh.
Theo đó, hầu hết học sinh đều vi phạm lỗi Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi điều khiển xe mô tô; Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh 50 cm3 trở lên; Không chấp hành chỉ dẫn của biển báo hiệu…
Trong khi đó, tại khoản 1 Điều 60 Luật Giao thông đường bộ 2008 đã quy định về các độ tuổi được phép điều khiển phương tiện phù hợp. Cụ thể: Người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50 cm3; Người đủ 18 tuổi trở lên được lái xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi-lanh từ 50 cm3 trở lên và các loại xe có kết cấu tương tự…
Bà Bùi Thị Diễm Thu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết cứ sau mỗi quý, Công an TP.HCM đều tổng hợp danh sách học sinh vi phạm Luật Giao thông gửi về Sở. Từ danh sách này, Sở gửi về các trường và đề nghị các trường phối hợp cùng gia đình học sinh giáo dục và xử lý nghiêm các trường hợp học sinh vi phạm. Đồng thời đây là cơ sở để đánh giá hạnh kiểm học sinh.
Tuy nhiên, lãnh đạo Sở cũng cho biết việc học sinh sử dụng xe gắn máy có dung tích lớn hơn so với quy định vẫn không thuyên giảm. Trong khi đó, vào đầu năm học, Sở đều yêu cầu các trường tổ chức cho phụ huynh ký cam kết về việc đội nón bảo hiểm cho học sinh khi ngồi trên xe máy; không giao xe gắn máy cho học sinh khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe. Phối hợp vận động cha mẹ học sinh không đậu xe dưới lòng đường đảm bảo trật tự an toàn giao thông trước cổng trường… Vì vậy, việc học sinh vi phạm Luật Giao thông, một phần thuộc về lỗi của phụ huynh.
N.B.K, hiệu trưởng một trường THPT tại quận 1, TP.HCM cho biết: “Bên cạnh việc tuyên truyền và tổ chức cho phụ huynh ký cam kết thực hiện những nội dung nhằm đảm bảo an toàn giao thông như trên thì trường còn không nhận giữ xe của học sinh khi chưa có giấy phép lái xe, vậy mà trường vẫn nhận được danh sách học sinh vi phạm Luật Giao thông. Đến khi tìm hiểu thì mới biết học sinh gửi xe gắn máy ở bãi xe bệnh viện gần trường. Nhà trường mời phụ huynh đến trao đổi và cung cấp những quy định về độ tuổi sử dụng xe gắn máy để phụ huynh nắm rõ thông tin nhưng chuyện đâu vẫn hoàn đó, ký cam kết cho vui”.
Luật quy định phạt cả cha mẹ hoặc chủ phương tiện
Trao đổi về vấn đề này, luật sư Nguyễn Hải Nam, Văn phòng Luật sư Công quyền (TP.HCM), cho biết theo quy định hiện hành, việc học sinh sử dụng xe gắn máy khi chưa đủ tuổi, tức là chưa đủ điều kiện để điều khiển phương tiện giao thông, là hành vi vi phạm pháp luật và bản thân học sinh đó cũng bị xử phạt tùy theo mức độ. Ngoài ra, cha mẹ hoặc chủ phương tiện giao xe cho con mình điều khiển xe gắn máy, mô tô khi chưa có đủ điều kiện (về độ tuổi, chưa có giấy phép lái xe) thì cũng bị xử phạt theo Nghị định 46/2016. Theo điểm đ Khoản 4 Điều 30 Nghị định 46/2016 quy định phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 1.600.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô thực hiện một trong các hành vi vi phạm: Giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện của Luật Giao thông đường bộ điều khiển xe tham gia giao thông (bao gồm cả trường hợp người điều khiển phương tiện có giấy phép lái xe nhưng đã hết hạn sử dụng).
Như vậy, theo luật sư Nam, nếu chỉ phạt học sinh không là chưa đủ mà còn phải xử phạt cả người là chủ xe gắn máy, mô tô. Ngoài ra, trường hợp học sinh điều khiển xe gắn máy, mô tô gây tai nạn hậu quả nghiêm trọng thì cha, mẹ hoặc chủ phương tiện còn có thể bị truy tố về tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ theo Điều 264 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi năm 2017. Tùy vào mức độ của hậu quả mà người chủ phương tiện có thể bị phạt tiền đến 50 triệu đồng hoặc phạt tù đến 7 năm.
Còn phụ huynh Nguyễn Thúy Hằng, có con học tại Trường THPT Lương Văn Can (Q.8, TP.HCM) chia sẻ: “Cũng rất thông cảm cho nhiều phụ huynh nhà ở xa trường, không thể ngày nào cũng đưa đón con đi học, đi phương tiện công cộng như xe buýt thì sợ chậm, khó đáp ứng nếu phải đi học thêm... Nhưng, chúng ta cần phải thượng tôn pháp luật. Nhiều ông bố, bà mẹ nói với tôi là con của họ 17, 16 tuổi nhưng cao lớn hơn 1,8 m, nặng hơn 70 kg, sức khỏe đảm bảo để điều chỉnh xe gắn máy, nhưng pháp luật quy định rõ, người bao nhiêu tuổi mới đủ để điều khiển xe máy chứ không phải là cao bao nhiêu, nặng bao nhiêu… Hiện nay trên thị trường có nhiều loại xe gắn máy, xe đạp điện có thể cho phép học sinh dưới 18 tuổi sử dụng, phụ huynh nên tham khảo để thực hiện cho đúng pháp luật.
Trong khi đó, phụ huynh Hồng Thị Thanh Uyên, có con học Trường THPT Trần Phú (quận Tân Phú, TP.HCM) thì nói: “Việc phụ huynh cho học sinh sử dụng xe gắn máy vượt quá quy định về phân khối, trước hết gây mất an toàn cho chính các em. Theo tôi, nếu nhắc nhở hoài vẫn không thay đổi và luật đã quy định thì cứ thực hiện phạt cả những người đưa xe cho học sinh sử dụng. Có như vậy việc an toàn giao thông mới được đảm bảo”.
Bình luận (0)