Phát triển BHXH tự nguyện chuyển biến tích cực

25/03/2019 09:35 GMT+7

Với số lượng người tham gia BHXH tự nguyện tăng qua các năm, công tác tuyên truyền được đẩy mạnh ở các địa bàn, hoạt động phát triển BHXH tự nguyện ở Đắk Lắk được kỳ vọng tiếp tục chuyển biến tích cực trong thời gian tới.

Chỗ dựa vững chắc khi về già

Nhiều năm trước, anh Nguyễn Văn Thương, trú P.Thống Nhất, TP.Buôn Ma Thuột, từng làm việc ở cơ quan nhà nước, sau đó vì lý do gia đình nên nghỉ việc để về làm kinh doanh tự do. Anh quyết định dành một khoản tích lũy để dưỡng già bằng cách tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện. “Qua tìm hiểu, tôi thấy chế độ BHXH tự nguyện rất có lợi cho người dân, lại có các mức giá đóng khác nhau nên tôi lựa chọn mức đóng vừa phải theo thu nhập của mình”, anh Thương chia sẻ. Chị Đặng Thị Huyền, ở P.Tân Lập, TP.Buôn Ma Thuột, hành nghề kinh doanh tạp hóa, cũng cho biết đã mua BHXH tự nguyện cho mình và đang thuyết phục chồng mua thêm để sau này hai vợ chồng có lương hưu.
Nhiều nông dân trên địa bàn Đắk Lắk cũng đã bắt đầu quan tâm việc tham gia BHXH tự nguyện, xem đây là chỗ dựa vững vàng cho mình khi về già không còn sức khỏe để lao động. Chị H’Yên Ênuôl, ở xã Cư Êbur, TP.Buôn Ma Thuột, trồng 1,5 ha cà phê xen hồ tiêu, nguồn thu cây trồng của gia đình cũng chỉ đủ sống. Thế nhưng, khi nghe thông tin những lợi ích thiết thực và lâu dài của BHXH tự nguyện, chị quyết định dành ra một khoản nhỏ thu nhập để hằng tháng mua BHXH tự nguyện. “Tôi quyết định mua BHXH tự nguyện để sau này già rồi, không làm được việc gì thì cũng có lương hưu để sống”, chị H’Yên nói.
Nhiều người tham gia BHXH bắt buộc nhưng chưa đủ thời gian tham gia BHXH theo quy định để hưởng chế độ hưu trí, khi trở về lao động tự do đã đóng tiếp BHXH tự nguyện, nay đã nhận lương hưu ổn định. Bà Tạ Thị Cẩm Ngọc (55 tuổi, ngụ P.Tân Lợi, TP.Buôn Ma Thuột) trước đây công tác tại một doanh nghiệp xây dựng, sau khi nghỉ việc bà tham gia BHXH tự nguyện từ tháng 1.2013, đến nay đủ số năm theo quy định và đã nhận lương hưu. Bà Ngọc nói: “Nếu giải quyết chế độ một lần thì sau này khi về già không biết trông chờ vào đâu nên quyết định tham gia BHXH tự nguyện, nhờ vậy được hưởng chế độ hưu, đỡ lo lắng khi về già”.
Ông Nguyễn Tấn Chính (64 tuổi, ở xã Hòa Khánh, TP. Buôn Ma Thuột) trước đây tham gia đóng BHXH bắt buộc được 10 năm 6 tháng thì đến tuổi nghỉ hưu, cộng thời gian cống hiến trong quân đội mới được 15 năm 8 tháng. Khi được cơ quan BHXH tư vấn, hướng dẫn, ông quyết định tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện, đóng hơn 130 triệu đồng cho thời gian 4 năm 4 tháng còn thiếu để đủ điều kiện hưởng lương hưu. Từ cuối năm 2017, ông Chính đã nhận được lương hưu. “Đóng tiền đủ số năm là tôi hưởng lương hưu. Nếu không có chính sách BHXH tự nguyện thì không thể có cơ hội hưởng chế độ hưu trí như vậy, tôi thật sự yên tâm với khoảng thu nhập này khi về già”, ông Chính phấn khởi nói.
Theo BHXH TP.Buôn Ma Thuột, số lượng lao động tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn thành phố tăng khá trong hai năm gần đây. Đầu năm 2018, toàn thành phố mới có khoảng 200 trường hợp tham gia BHXH tự nguyện, đến nay có số tham gia lên 718 người. Nhiều người là lao động tự do, thậm chí việc làm không ổn định, đã chủ động tìm hiểu thông tin về BHXH tự nguyện và khi thấy rõ tác dụng, lợi ích của loại hình bảo hiểm này thì không ngần ngại tham gia.

Tuyên truyền vẫn là giải pháp cơ bản

Để tạo điều kiện cho người dân tham gia BHXH tự nguyện thuận lợi, dễ dàng, thời gian qua, ngành BHXH tỉnh Đắk Lắk đã có các giải pháp nhằm mở rộng đối tượng tham gia; trong đó tập trung tuyên truyền các chính sách ưu đãi của Nhà nước khi tham gia BHXH tự nguyện, với các hình thức qua phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền trong các hội nghị, truyền thông trực tiếp đến cơ sở... Ông Trần Ngọc Quảng, Giám đốc BHXH H.Cư Mgar, cho biết cán bộ, nhân viên làm công tác tuyên truyền đến người dân về chính sách BHXH tự nguyện đã có phương thức linh hoạt theo điều kiện thực tế. “Trước khi gặp gỡ, tiếp xúc với người dân, chúng tôi cung cấp các tài liệu, tờ rơi thông tin; sau đó vào lúc nông nhàn, hoặc ngày nghỉ thứ bảy, chủ nhật, cán bộ nhân viên BHXH đến từng gia đình vận động, tuyên truyền”, ông Quảng nói.
Ngành BHXH Đắk Lắk cũng đã chủ động phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức kinh tế mở rộng hệ thống đại lý thu BHXH, vươn tới các khu dân cư ở xa trung tâm, có đông đồng bào dân tộc thiểu số, giao thông đi lại phức tạp... Đến nay, toàn tỉnh có 203 đại lý với 730 điểm thu và gần 1.800 nhân viên làm công tác thu BHXH tự nguyện. Công tác tuyên truyền đã góp phần quan trọng thúc đẩy tăng dần đối tượng tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn. Trong 10 năm qua, số người tham gia BHXH tự nguyện, số người hưởng chế độ hưu từ BHXH tự nguyện cũng tăng dần qua từng năm. Theo Phòng Khai thác và thu nợ BHXH tỉnh Đắk Lắk, năm 2009 toàn tỉnh chỉ có 255 người tham gia BHXH tự nguyện thì đến hết tháng 2.2019 trên địa bàn tỉnh đã có 3.880 người tham gia.
Mặc dù vậy, nhìn chung, tỷ lệ người dân tham gia BHXH tự nguyện còn rất thấp so với tiềm năng. Có thể thấy, ở vùng sâu vùng xa, vùng có điều kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, do nhiều nguyên nhân nhiều người dân chưa nắm bắt đầy đủ chính sách BHXH tự nguyện. Bên cạnh đó, thu nhập của người lao động ở nông thôn còn thấp, không ổn định nên khó có điều kiện tham gia BHXH tự nguyện. Chính quyền địa phương một số nơi chưa thực sự vào cuộc, sự phối hợp trong tổ chức thực hiện chính sách BHXH tự nguyện của các cấp, các ngành ở địa phương với cơ quan BHXH chưa thường xuyên. Ngoài ra, chính sách BHXH tự nguyện chưa thật sự hấp dẫn, bởi khi tham gia người lao động chỉ được hưởng hai chế độ hưu trí và tử tuất, trong khi BHXH bắt buộc có các chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động...
Theo ông Lê Xuân Khánh, Trưởng Phòng Khai thác và thu nợ BHXH tỉnh Đắk Lắk, thực tế cho thấy chính sách BHXH nói chung và BHXH tự nguyện nói riêng đang dần đi vào cuộc sống, tăng tỷ lệ bao phủ BHXH trên địa bàn tỉnh, góp phần đảm bảo đời sống của nhân dân, thực hiện công bằng xã hội, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế. Ông Khánh cho rằng để chính sách BHXH tự nguyện thực sự là chỗ dựa vững chắc cho người nông dân, cơ quan BHXH cần tham mưu UBND các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tiếp tục xem đây là giải pháp cơ bản cho việc phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện; đồng thời tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, sự phối hợp một cách đồng bộ của các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách BHXH tự nguyện trên địa bàn.

Tiếp cận trực tiếp với người dân

Ông Lê Xuân Khánh cho biết ngành BHXH xác định tiếp tục mở rộng mạng lưới đại lý thu đủ mạnh về chất lượng và số lượng, không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ và khả năng tiếp cận dịch vụ thu, chi trả, tạo điều kiện thuận lợi để người dân dễ dàng trong việc tham gia và thụ hưởng các chế độ chính sách về BHXH tự nguyện. “Năm 2019 ngành BHXH sẽ tiếp tục triển khai kế hoạch phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH tự nguyện với nội dung, hình thức phù hợp từng nhóm đối tượng, đổi mới công tác tuyên truyền theo hướng tiếp cận trực tiếp với người dân, giúp người dân nắm bắt đầy đủ các chủ trương, chính sách, quy định về BHXH tự nguyện; từ đó mỗi người tham gia BHXH sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa trong cộng đồng”, ông Khánh nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.