Phát triển đô thị thông minh còn nhiều lúng túng

03/10/2019 06:36 GMT+7

Với một loạt địa phương được phê duyệt, VN tham vọng năm 2030 sẽ xây dựng 30 đô thị thông minh. Tuy nhiên, việc triển khai các đề án này đang thể hiện sự lúng túng, phong trào.

Kết nối dịch vụ với trí tuệ nhân tạo

Đây là một trong những nội dung chính tại hội thảo “Xây dựng đô thị thông minh trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia” diễn ra ngày 2.10. Hội thảo nằm trong Diễn đàn cách mạng công nghiệp 4.0 do Ban Kinh tế T.Ư tổ chức tại Hà Nội.
Là đơn vị đang tư vấn xây dựng cho khoảng 20 đô thị thông minh, ông Nguyễn Đức Kiên, Giám đốc Trung tâm giải pháp, tích hợp hệ thống thuộc Công ty công nghệ thông tin VNPT, giải thích: TP thông minh tương lai sẽ kết nối tất cả các dịch vụ với hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI). Cụ thể, AI trong giao thông thông minh ứng dụng camera giám sát lưu lượng, nhận diện biển số, phát hiện sai làn, vượt đèn đỏ. Trong lĩnh vực an ninh có thể nhận diện đám đông, dao, súng; nhận diện khuôn mặt đối tượng khả nghi. Đặc biệt, với AI, các đô thị thông minh sẽ chuyển đổi chính phủ “giấy” sang chính phủ điện tử thông qua quản lý định danh công dân từ giấy tờ tùy thân, số điện thoại, sinh trắc học; số hóa văn bản…
Tuy nhiên, đại diện VNPT và nhiều doanh nghiệp (DN) tham dự hội thảo đều băn khoăn bởi một trong những thách thức đối với việc xây dựng đô thị thông minh tại VN là việc chưa hình thành nên các hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn do tính chất liên ngành, liên quan tới nhiều lĩnh vực. Hệ thống cơ sở dữ liệu cũng đang bị phân tán, cát cứ tại nhiều ngành, số lượng các ứng dụng, dịch vụ được tích hợp còn thấp, chưa kết nối liên thông. Bên cạnh đó, nguồn lực đầu tư để xây dựng đô thị thông minh rất lớn, trong khi nguồn ngân sách còn hạn hẹp, chia sẻ cho nhiều lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội. Các DN mong muốn sớm có các bộ tiêu chuẩn, tiêu chí về đô thị thông minh. Các địa phương phải có hệ thống cơ sở dữ liệu, an toàn, an ninh thông tin, bảo mật thông tin riêng tư phải được đảm bảo...
Chia sẻ với cộng đồng DN, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết VN có 830 đô thị với tỷ lệ đô thị hóa là 38,6%. Tăng trưởng kinh tế tại các đô thị đạt khoảng 12 - 15%, cao gấp 1,5 - 2 lần tăng trưởng trung bình của cả nước. “Mục tiêu đến năm 2025 có ít nhất 3 đô thị thông minh tại 3 vùng trọng điểm. Đến 2030 sẽ hình thành một số chuỗi đô thị thông minh, từng bước kết nối với các đô thị thông minh của khu vực và thế giới”, ông Sinh cho hay.

Đô thị chỉ thông minh khi lãnh đạo có tầm nhìn

Ông Nguyễn Thành Hưng, Thứ trưởng Bộ TT-TT, khẳng định xây dựng đô thị thông minh là yêu cầu tất yếu hiện nay. Có khoảng 30 địa phương đã phê duyệt và triển khai các dự án, đề án phát triển đô thị thông minh (Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Đà Lạt...). Nhưng theo Bộ TT-TT, việc phát triển đô thị thông minh còn nhiều lúng túng. Các quy định, hướng dẫn, tiêu chuẩn, quy chuẩn, các cơ chế, chính sách về đô thị thông minh đang được soạn thảo, các địa phương cũng mới bước đầu triển khai một số ứng dụng, dịch vụ cơ bản cho đô thị thông minh.
Ông Hưng khuyến nghị, các địa phương cần có nhận thức đúng về đô thị thông minh, tránh đầu tư dàn trải, theo phong trào mà phải quán triệt nguyên tắc đầu tư, xây dựng hạ tầng nền tảng dùng chung, dữ liệu được chia sẻ, giám sát điều hành tập trung để bảo đảm hiệu quả đầu tư. Chẳng hạn như, về đầu tư camera giám sát thì ai làm, công an hay giao thông… hay tỉnh, TP đầu tư, cho các ngành dùng chung... Cần phải gắn kết, không nên tách rời việc xây dựng đô thị thông minh với phát triển chính phủ điện tử. Coi phát triển chính quyền điện tử làm nòng cốt để xây dựng đô thị thông minh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và DN khi giao tiếp với cơ quan chính quyền. Người dân phải được cung cấp các ứng dụng để giao tiếp với chính quyền và mọi ý kiến phản ánh của người dân phải được giải đáp nhanh và thỏa đáng”, ông Hưng nhấn mạnh.
“Một đô thị chỉ thông minh khi lãnh đạo có tầm nhìn, có nguồn nhân lực đủ trình độ hoạch định, xây dựng, quản lý và vận hành đô thị đó”, Thứ trưởng Hưng khuyến nghị.

Diễn đàn cấp cao cách mạng công nghiệp 4.0

Sáng 3.10, phiên toàn thể cấp cao sẽ diễn ra và được đồng chủ trì bởi ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng ban Kinh tế T.Ư và Phó thủ tướng Vũ Đức Đam với chủ đề “Chủ trương và chương trình hành động của VN chủ động tham gia cách mạng công nghiệp lần thứ 4”.
T.P 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.