Phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

19/01/2017 08:00 GMT+7

Thực hiện các giải pháp nhằm phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là nhiệm vụ quan trọng của ngành Bảo hiểm xã hội trong năm 2017.

Những kết quả tích cực
Năm 2016, Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong việc thực hiện nhiệm vụ thu BHXH, BHYT, BHTN. Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Trưởng phòng Quản lý thu Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk, trong năm qua, tổng số đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn tỉnh là 1.455.906 người, đạt 100,3% kế hoạch. Cụ thể, BHXH bắt buộc: 99.836 người; BHXH tự nguyện: 1.591 người; BHYT: 1.454.315 người và BHTN: 86.379 người. Tổng số thu BHXH, BHYT, BHTN hơn 2.386 tỉ đồng, đạt 103% kế hoạch. Tổng số nợ BHXH, BHYT, BHTN là 52,09 tỉ đồng (không tính ngân sách nợ), chiếm 2,2% kế hoạch thu.
“Năm 2016 có những chuyển biến trong công tác thu BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn Đắk Lắk. Đặc biệt, số nợ chiếm tỷ lệ thấp (2,2%) hơn mức cho phép (2,69%); BHYT đã đạt 78,6% dân số tham gia so với kế hoạch Bảo hiểm xã hội VN giao là 76%. Điều này phản ánh nỗ lực của toàn ngành Bảo hiểm xã hội tỉnh trong việc triển khai các giải pháp đồng bộ nhằm thực hiện nhiệm vụ thu”, ông Hiếu nhận định.
Theo Phòng Quản lý thu, một số địa phương trong tỉnh có số lượng lớn đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN và số thu đạt khá như TP.Buôn Ma Thuột, TX.Buôn Hồ, các huyện Cư Mgar, Krông Pắk, Ea Kar… TP.Buôn Ma Thuột có tổng số người tham gia BHXH, BHYT, BHTN là 231.388 người; với tổng số thu gần 294,6 tỉ đồng (đạt 101,23%).
Ông Lê Xuân Khánh, Trưởng phòng Khai thác và thu nợ Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk, nhận định hoạt động tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN góp phần tích cực trong công tác thu. Các đợt tập huấn, tuyên truyền không chỉ triển khai ở các cơ quan, doanh nghiệp (DN), trường học mà còn mở rộng ở các tổ chức đoàn thể như hội nông dân, hội phụ nữ… “Năm 2016, Bảo hiểm xã hội tỉnh cũng đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức đoàn công tác liên ngành tiến hành kiểm tra, đôn đốc thu nợ đối với các đơn vị có nợ đọng lớn. Qua đó nắm tình hình sản xuất, kinh doanh, sử dụng lao động của DN, có biện pháp hợp lý để thu nợ; đồng thời chấn chỉnh hiện tượng chây ỳ, trốn tránh thực hiện nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, BHTN”, ông Khánh chia sẻ.
Ngoài ra, theo ông Khánh, một số yếu tố tác động góp phần đạt kế hoạch thu của ngành Bảo hiểm xã hội tỉnh như giá cà phê, cao su tăng so với năm trước giúp tăng thu nhập của nhiều DN; một số DN (như các đơn vị thuộc Tập đoàn Trường Thành) có sự thay đổi, sắp xếp lại nên thanh toán các khoản nợ đọng lớn… Trong năm 2016, việc khai thác đóng BHXH, BHYT, BHTN ở các DN dân doanh trên địa bàn tỉnh đã tăng thêm 1.300 lao động.
Còn không ít khó khăn
Kết quả thu vượt kế hoạch của năm 2016 đã tạo đà tích cực cho hoạt động phát triển đối tượng tham gia cũng như khai thác thu BHXH, BHYT, BHTN trong năm 2017. Tuy nhiên, theo nhiều nhận định, bên cạnh những thuận lợi, vẫn còn không ít thách thức ảnh hưởng đến thực hiện các chỉ tiêu thu BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn. DN ở một số lĩnh vực vẫn chưa thoát khỏi khó khăn trong sản xuất, kinh doanh; nhiều DN thực hiện các công trình đầu tư bằng vốn nhà nước bị chậm thanh toán nhiều tỉ đồng, dẫn đến chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động… Một số đơn vị gần như không còn hoạt động kinh doanh có số nợ lớn, kéo dài nhiều năm nhưng chưa có phương án xử lý giải thể, dẫn đến nợ gốc và lãi chất chồng, ảnh hưởng kế hoạch thu. Cũng do khó khăn, thua lỗ, nhiều DN đã đăng ký kinh doanh nhưng không còn hoạt động. Riêng tại địa bàn TP.Buôn Ma Thuột, hiện có 220 DN “mất tích” với số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN hơn 12 tỉ đồng…
Đối với việc thực hiện chỉ tiêu bao phủ BHYT toàn dân cũng có những khó khăn nhất định. Theo ông Lê Xuân Khánh, mới đây Chính phủ đề ra mục tiêu đến năm 2020 cả nước đạt trên 90% dân số có BHYT. Theo lộ trình này, năm 2017, Đắk Lắk phải đạt tỷ lệ bao phủ BHYT 81,6% so với tỷ lệ 78,6% của năm 2016; tương ứng mức tăng khoảng 60.000 thẻ BHYT trong năm nay.
Ở nhiều địa phương, có một bộ phận người dân không còn thuộc vùng khó khăn nên không được hỗ trợ về an sinh xã hội như những năm trước, nhất là không còn được cấp thẻ BHYT miễn phí. Bà Nguyễn Thị Thanh Trà, Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.Buôn Ma Thuột, cho biết hiện có khoảng 40.000 người dân đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã ngoại ô TP.Buôn Ma Thuột trước đây thuộc vùng 2, nay quy định là vùng 1 nên không còn được Nhà nước hỗ trợ mua BHYT; vận động số hộ này tự giác tham gia mua BHYT cũng là một thách thức không nhỏ…
Nỗ lực trong năm mới
Ngay từ đầu năm 2017, Phòng Khai thác và thu nợ đã có kế hoạch phân loại các DN để có biện pháp phù hợp triển khai công tác thu BHXH, BHYT, BHTN đối với từng nhóm DN. Theo đó sẽ tập trung thu nợ đối với những DN có nợ đọng kéo dài, đề xuất cơ quan có thẩm quyền thực hiện các thủ tục phá sản, giải thể một số DN không còn hoạt động để xử lý dứt điểm các khoản nợ…
Theo ông Lê Xuân Khánh, công tác thanh tra, kiểm tra, xử phạt các hành vi vi phạm về BHXH, BHYT, BHTN trong năm nay sẽ được triển khai thuận lợi hơn do có quy định về hoạt động thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BTYT, BHTN theo Quyết định 1518/QĐ-BHXH của Bảo hiểm xã hội VN ban hành vào tháng 10.2016. Mặt khác, có thể kiện ra tòa án đối với những DN cố tình vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN. Vừa qua, Bảo hiểm xã hội tỉnh và Liên đoàn Lao động tỉnh Đắk Lắk đã ký kết quy chế phối hợp về việc tổ chức công đoàn khởi kiện các đơn vị cố tình chậm đóng, chây ỳ, nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN, ảnh hưởng quyền lợi người lao động. Triển khai thực hiện quy chế này, hiện Bảo hiểm xã hội TP.Buôn Ma Thuột đang lập hồ sơ đề nghị công đoàn cùng cấp khởi kiện 4 DN trên địa bàn có nợ đọng kéo dài.
“Ngoài ra, công tác tuyên truyền, vận động các đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN năm nay sẽ nỗ lực mở rộng đến các tầng lớp nhân dân, chú trọng đến các DN dân doanh, học sinh, sinh viên… Cơ quan Bảo hiểm xã hội phải chú trọng đổi mới về nội dung, hình thức tuyên tuyền để từng người dân có thể nắm bắt, hiểu biết nhiều hơn và tham gia thực hiện các chính sách an sinh xã hội này”, ông Khánh nhận định.
Thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp
Ngày 26.12.2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 34/CT-TTG về tăng cường thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp phát triển đối tượng tham gia BHXH. Theo đó yêu cầu các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, nhóm giải pháp phấn đấu thực hiện mục tiêu có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia BHXH, 35% lực lượng lao động tham gia BHTN vào năm 2020.
Chỉ thị yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố xây dựng chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm của địa phương; chỉ đạo các cơ quan chức năng ở địa phương thực hiện các giải pháp quản lý được số DN đang hoạt động, số lao động đang làm việc và số lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc; thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tăng tính tuân thủ trong tham gia BHXH bắt buộc, yêu cầu DN tham gia BHXH bắt buộc đầy đủ cho người lao động…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.