Phát triển du lịch cộng đồng tại Đắk Nông

30/11/2021 15:20 GMT+7

Sở hữu nhiều lợi thế về tài nguyên và văn hóa có thể khai thác du lịch, tỉnh Đắk Nông đang đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển đồng bộ các lợi thế sẵn có và các sản phẩm du lịch cộng đồng đặc sắc.

Đắk Nông có nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống, tạo nên bản sắc văn hóa đa dạng

Ảnh: Lê Min

Lợi thế phát triển du lịch cộng đồng

Du lịch cộng đồng là loại hình du lịch có sự tham gia của cộng đồng dân cư vào chuỗi cung ứng và quản lý du lịch. Đây là hình thức du lịch khá mới với thế giới và cả Việt Nam, loại hình này mang đến cho du khách nhiều trải nghiệm thú vị khi hòa vào cuộc sống của người dân bản địa để từ đó hiểu hơn về các giá trị văn hóa, truyền thống.

Trong nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định “Phát triển du lịch trên nền tảng phát huy các lợi thế tự nhiên, các giá trị văn hóa, đặc trưng sinh thái bản địa”. Điều này rất phù hợp với các điều kiện về tự nhiên, văn hóa, xã hội của địa phương.

Đắk Nông có nhiều lợi thế để phát triển du lịch cộng đồng, nhờ sở hữu nhiều cảnh quan thiên nhiên độc đáo, hùng vĩ: thác Đắk G’lun, thác Đắk Búk So, thác Đ'ray Sáp, thác Gia Long, thác Lưu Ly…; sự đa dạng sinh học với khu bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung, Vườn quốc gia Tà Đùng, rừng đặc dụng cảnh quan Đ'ray Sáp… Ngoài ra, Đắk Nông còn có Công viên địa chất toàn cầu UNESCO, với quần thể hang động núi lửa lớn nhất Đông Nam Á và được xác nhận kỷ lục Đông Nam Á về cả quy mô, độ dài và tính độc đáo; và là nơi hội tụ bản sắc văn hóa cộng đồng khi có hơn 40 dân tộc anh em cùng nhau sinh sống. Mỗi dân tộc đều có nét văn hóa, hoạt động lễ hội truyền thống độc đáo mang đậm bản sắc riêng biệt. Trong đó, nền văn hóa nghệ thuật phong phú, đa dạng và sinh động đang được bảo tồn như cồng chiêng, đàn đá, các nhạc cụ thô sơ làm từ chất liệu tre nứa như Mló, M’buốt, Goong reng… Tiêu biểu nhất phải kể đến không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại. Hát kể sử thi (Ót N’drong) và dân ca M’nông được công nhận là di sản phi vật thể của quốc gia…

Hồ Tà Đùng được ví như “Vịnh Hạ Long của Tây Nguyên” có vẻ đẹp nguyên sơ, quyến rũ

Ảnh: Lê Min

Biến lợi thế thành thế mạnh

Những năm qua, Đắk Nông đã ban hành các chính sách để kêu gọi đầu tư, phát triển du lịch. Tại các khu, điểm du lịch quan trọng, tỉnh đã hỗ trợ đầu tư nhiều hạng mục hạ tầng. Công tác quảng bá, xúc tiến du lịch được chú trọng với nhiều hình thức. Tốc độ phát triển du lịch tỉnh có bước chuyển rõ nét, thu hút nhiều dự án đầu tư du lịch.

Đắk Nông đã thu hút được nhiều doanh nghiệp, trong đó có những doanh nghiệp lớn vào khảo sát, tìm hiểu cơ hội đầu tư như dự án 2 tỉ đô do Tập đoàn T&T đầu tư. Có 9 dự án đã được tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư và một số dự án đã đi vào hoạt động. Toàn tỉnh hiện có khoảng 20 cơ sở kinh doanh du lịch và nhiều mô hình du lịch nghỉ dưỡng sinh thái kết hợp với du lịch trải nghiệm.

Thông qua việc liên kết vùng, xã, buôn làng, Đắk Nông đang tạo ra các sản phẩm du lịch cộng đồng đặc trưng, đáp ứng nhu cầu của du khách về sở thích khám phá, tìm hiểu về giá trị văn hóa, lịch sử bản địa. Khách du lịch sẽ được gặp gỡ, giao lưu với cộng đồng cư dân địa phương, hộ làm nương rẫy, đánh bắt cá, làm nghề truyền thống và các hoạt động thường ngày; được trải nghiệm cuộc sống của người nông dân dưới hình thức tham gia vào một số công đoạn sản xuất/canh tác nông nghiệp; thăm quan phong cảnh, con người, văn hóa và lối sống của người dân tại các buôn lựa chọn, ẩm thực…

Đồng bào các dân tộc H.Cư Jút nắm tay nhau vui hội quanh đống lửa trong Lễ kết nghĩa anh em

Ảnh: H.M

Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng du lịch Đắk Nông vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn. Nhất là 2 năm trở lại đây, dịch Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng lớn đến kế hoạch phát triển du lịch của tỉnh. Bên cạnh đó, hạ tầng kỹ thuật, cơ sở vật chất đầu tư cho du lịch còn hạn chế, thiếu tính đồng bộ. Đa số cộng đồng dân tộc là thuần nông nên nhận thức của người dân về du lịch cộng đồng còn hạn chế; nguồn nhân lực phục vụ du lịch ít được đào tạo bài bản và còn mang tính tự phát cao. Vậy nên, khách đến Đắk Nông chủ yếu là khách công vụ, còn khách lưu trú, khách tham quan chỉ lưu lại với thời gian ngắn, chi tiêu ít.

Phát triển du lịch cộng đồng không thể nóng vội, cần có chiến lược bài bản, đảm bảo phát triển theo hướng bền vững. Với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh Đắk Nông, sự phối hợp của các cấp, các ngành và sự tham gia của cộng đồng, kỳ vọng trong thời gian tới, du khách trong và ngoài nước khi đến Đắk Nông sẽ được khám phá, thưởng thức các giá trị đặc sắc, các sản phẩm đặc trưng, hấp dẫn của du lịch cộng đồng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.