Ông Nguyễn Ngọc Phúc - Bí thư Huyện ủy Đức Trọng |
Ảnh: G.B |
PV: Ông có thể khái quát một vài kết quả đạt được của việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XII, đâu là điểm nổi bật?
Ông Nguyễn Ngọc Phúc: Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XII, hầu hết các chỉ tiêu phát triển KT-XH chủ yếu đều đạt và vượt kế hoạch, nổi bật nhất là các chỉ tiêu giảm nghèo, thu nhập bình quân đầu người đạt mức khá cao; kết cấu hạ tầng KT-XH, chỉnh trang đô thị được tập trung đầu tư xây dựng. Trong 5 năm qua đã hoàn chỉnh đưa vào sử dụng nhiều công trình trọng điểm như: vỉa hè, điện chiếu sáng, chỉnh trang và đầu tư mới một số công viên; các mô hình kinh tế phát triển nhanh; mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân tạo ra các chuỗi giá trị nông sản hàng hóa từng bước được hình thành; giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập đảm bảo đời sống cho người lao động…
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, huyện vẫn còn một số tồn tại, khó khăn nhất định. Kinh tế phát triển nhanh nhưng chưa toàn diện và bền vững; việc áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất ở một số địa phương còn hạn chế; công tác xây dựng quy hoạch, triển khai thực hiện quy hoạch còn chậm; kết cấu hạ tầng KT-XH chưa đồng bộ…
PV: Nghị quyết 06-NQ/TU ngày 12.11.2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng về phát triển H.Đức Trọng trở thành thị xã giai đoạn 2021-2025 định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định các mục tiêu cụ thể để huyện phát triển bền vững. Ông có thể cho biết huyện đã xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện như thế nào?
Ông Nguyễn Ngọc Phúc: Thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU về phát triển H.Đức Trọng thành thị xã, toàn Đảng bộ đã xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm của cả nhiệm kỳ. Nhằm chủ động trong triển khai thực hiện, Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo xây dựng chương trình hành động cụ thể; chỉ đạo UBND huyện phối hợp với các ngành của tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện theo lộ trình. Trong đó, tập trung rà soát, đánh giá các tiêu chí đô thị loại IV và thị xã, chủ động làm việc với đơn vị tư vấn đủ năng lực, có kinh nghiệm để giúp địa phương xây dựng Đề án đô thị loại IV và thành lập thị xã.
Khu vực lập quy hoạch đô thị Liên Khương - Prenn |
Ảnh: G.B |
Các giải pháp cụ thể: làm tốt công tác quản lý quy hoạch; tăng cường quản lý đô thị, đồng thời thực hiện chỉnh trang, xây dựng đô thị loại III theo hướng đô thị thông minh, đô thị sinh thái; Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đầu tư xây dựng các công trình, dự án trọng điểm, gồm: Trung tâm hành chính gắn với quảng trường 200ha, dự án hồ thủy lợi và cấp nuớc sạch Ta Hoét, khu du lịch hồ Đại Ninh, khu công nghiệp Phú Bình, khu đô thị Liên Khương - Prenn, khu đô thị Nam sông Đa Nhim hướng tới xây dựng hình thành khu đô thị cao cấp. Phát triển mạnh các loại hình thương mại, dịch vụ, du lịch; tiếp tục kêu gọi đầu tư xây dựng một số siêu thị, hệ thống kho hàng, logistics, khách sạn, nhà hàng, văn hóa, thể thao, du lịch, vui chơi, giải trí, gắn với trung tâm thương mại, mua sắm và phân phối hàng hóa của tỉnh. Phát triển các ngành công nghiệp theo hướng có chọn lọc, ưu tiên phát triển chế biến nông sản, cơ khí nông nghiệp, khai thác vật liệu xây dựng. Thực hiện các biện pháp nâng tầm nông nghiệp theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, thông minh, hữu cơ, nông nghiệp xanh, bền vững, thân thiện môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Hoàn thiện bộ máy, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu quản lý thị xã. Đồng thời, huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
PV: Xin cám ơn ông!
Bình luận (0)