Quy hoạch xác định 2 vùng này sẽ phát triển các hành lang kinh tế theo trục Bắc - Nam, các hành lang kinh tế Đông - Tây nhằm kết nối hiệu quả các cảng biển, khu kinh tế, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế, các đô thị, trung tâm kinh tế… nội vùng và kết nối với các vùng kinh tế khác trong nước, các nước Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia…
PHÁT TRIỂN KINH TẾ BIỂN VÀ CÔNG NGHIỆP BÁN DẪN
Theo quy hoạch, Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung hướng đến phát triển nhanh, bền vững, đi đầu cả nước về kinh tế biển; hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển đồng bộ, hiện đại, xanh, thông minh. Nâng tỷ trọng đóng góp của kinh tế biển lên khoảng 50% GRDP của vùng, là động lực chính phát triển kinh tế, đồng thời góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo; bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển và bảo vệ môi trường biển.
Tại vùng này sẽ phát triển các khu kinh tế ven biển, khuyến khích các ngành kinh tế biển có giá trị gia tăng cao, như: du lịch biển, kinh tế hàng hải, khai thác dầu khí, nuôi trồng và khai thác hải sản xa bờ, công nghiệp ven biển, năng lượng tái tạo… Phát triển các trung tâm kinh tế biển lớn của cả nước tại Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bình Định.
Quy hoạch cũng xác định vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung phát triển các ngành công nghiệp có sức cạnh tranh quốc tế cao, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu; tập trung phát triển một số ngành công nghiệp nền tảng có lợi thế, các ngành công nghiệp xanh, công nghiệp chế biến, hình thành các vùng sản xuất tập trung.
Theo đó, sẽ xây dựng trung tâm công nghiệp luyện kim, cơ khí chế tạo, chế biến thép tại Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên; trung tâm công nghiệp cơ khí, công nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô tại Hà Tĩnh, Quảng Nam; trung tâm công nghiệp đóng, sửa tàu biển tại Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Ngãi; trung tâm công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp công nghệ thông tin, cơ khí chính xác, sản xuất lắp ráp hàng điện tử xuất khẩu tại Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Bình Định, Khánh Hòa…
Phát triển công nghiệp lọc hóa dầu và sản xuất sản phẩm dầu mỏ tinh chế tập trung ở Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Phú Yên. Hình thành một số trung tâm công nghiệp năng lượng tái tạo lớn ở ven biển từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị và từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận, tiến tới hình thành trung tâm năng lượng tái tạo lớn của cả nước tại Ninh Thuận và Bình Thuận.
Quy hoạch cũng xác định sẽ tập trung phát triển công nghiệp bán dẫn, sản xuất và thiết kế chip, vi mạch điện tử, ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư xây dựng trung tâm nghiên cứu, thiết kế, thử nghiệm vi mạch điện tử tại Đà Nẵng, Bình Định, Thừa Thiên-Huế.
PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP SINH THÁI, HỮU CƠ
Tây nguyên được quy hoạch thành vùng phát triển nhanh, bền vững dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn; hình thành một số sản phẩm nông nghiệp quy mô lớn, có thương hiệu quốc tế gắn với các trung tâm chế biến. Theo đó, Tây nguyên chú trọng phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả cao, sinh thái, hữu cơ, quy mô lớn gắn với vùng sản xuất nông nghiệp tập trung áp dụng công nghệ cao. Tập trung phát triển các cây trồng chủ lực như: cây công nghiệp (cà phê, cao su, điều, hồ tiêu, chè, dâu, bông vải, mía), cây ăn quả (sầu riêng, bơ, chanh leo, chôm chôm, mít), cây dược liệu, sâm Ngọc Linh, rau, hoa ôn đới… Phát triển các vùng chăn nuôi gia súc, nuôi trồng thủy sản; phát triển kinh tế lâm nghiệp, vùng nguyên liệu, cây dược liệu theo hướng bền vững, tăng nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng và dịch vụ bán tín chỉ carbon.
Hình thành các khu, cụm công nghiệp chế biến sâu, cụm liên kết ngành tại Tây nguyên gắn với các đô thị trung tâm và hành lang kinh tế; liên kết hiệu quả với công nghiệp ở miền Trung và Đông Nam bộ. Trong đó, phát triển bền vững công nghiệp khai thác, chế biến bauxite, alumin và nhôm ở các tỉnh Đắk Nông, Lâm Đồng; phát triển công nghiệp dệt may, da giày tại các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk, Gia Lai; ưu tiên phát triển sản xuất phân bón, phân vi sinh tập trung tại các tỉnh Đắk Nông, Lâm Đồng, Gia Lai, Đắk Lắk…
Đầu tư phát triển khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y (Kon Tum), Lệ Thanh (Gia Lai) trở thành khu vực có vai trò động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây nguyên và tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam. Đồng thời, từng bước đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu Đắk Ruê (Đắk Lắk).
XÂY DỰNG ĐÔ THỊ XANH GẮN VỚI PHÁT TRIỂN DU LỊCH
Hệ thống đô thị vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung được phát triển theo mô hình đô thị xanh, thông minh, giàu bản sắc, thích ứng với biến đổi khí hậu, gắn với các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, các trung tâm thương mại, dịch vụ... Trong đó, đô thị Đà Nẵng là trung tâm kinh tế lớn của cả nước; trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin; một trong những trung tâm giáo dục, đào tạo, y tế chất lượng cao, khoa học, công nghệ của đất nước; trung tâm tổ chức các sự kiện tầm khu vực và quốc tế. Thừa Thiên-Huế sẽ trở thành thành phố trực thuộc T.Ư, đô thị cấp quốc gia đặc trưng về di sản văn hóa, là một trong những trung tâm lớn của cả nước về văn hóa, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, y tế chuyên sâu, giáo dục và đào tạo.
Khánh Hòa phát triển thành thành phố trực thuộc T.Ư, là trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế; có vai trò là một cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực duyên hải Nam Trung bộ, Tây nguyên và cả nước về kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực và chăm sóc sức khỏe chất lượng cao. TP.Thanh Hóa và TP.Vinh phát triển thành trung tâm về công nghiệp, dịch vụ, du lịch, giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa… TP.Quy Nhơn có vai trò là trung tâm kinh tế biển tổng hợp của khu vực duyên hải Nam Trung bộ, là trung tâm công nghiệp, du lịch, thương mại, dịch vụ, dịch vụ vận tải biển, y tế, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ; có khu đô thị khoa học mang tầm cỡ quốc gia, với nòng cốt là Trung tâm quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE) và trung tâm trí tuệ nhân tạo…
Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung tập trung phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Theo đó, hình thành 3 khu vực động lực phát triển du lịch quốc gia tại vùng này, gồm: Ninh Bình - Thanh Hóa - Nghệ An; Quảng Bình - Quảng Trị - Thừa Thiên-Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam; Khánh Hòa - Lâm Đồng - Ninh Thuận - Bình Thuận. Đồng thời, xây dựng, phát triển một số trung tâm du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng mang tầm khu vực và quốc tế tại các thành phố Huế, Đà Nẵng, Hội An, Quy Nhơn, Nha Trang. Huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) cũng phát triển thành trung tâm du lịch biển - đảo.
Tây nguyên được định hướng phát triển hệ thống đô thị phù hợp với điều kiện tự nhiên, sinh thái, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất đai, kết cấu hạ tầng đồng bộ, theo hướng xanh, thông minh, gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa Tây nguyên, thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong đó, Buôn Ma Thuột là đô thị trung tâm vùng Tây nguyên, là "Thành phố cà phê của thế giới". TP.Đà Lạt là trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp và du lịch văn hóa di sản cấp quốc gia, khu vực và quốc tế; trung tâm nghiên cứu ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao cấp quốc gia. TP.Pleiku phát triển thành trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp và du lịch văn hóa di sản tầm quốc gia và khu vực; trung tâm nghiên cứu khoa học, giáo dục - đào tạo và chuyển giao công nghệ đa ngành; bảo tồn rừng cảnh quan và đa dạng sinh học của quốc gia…
Tây nguyên sẽ phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa gắn với bảo tồn, phát huy giá trị, bản sắc văn hóa các dân tộc Tây nguyên; tăng cường kết nối và nâng cao chất lượng dịch vụ trong chuỗi giá trị sản phẩm du lịch đặc thù theo các địa bàn trọng điểm, gắn với di sản không gian văn hóa cồng chiêng, lễ hội truyền thống, văn hóa cà phê và du lịch cộng đồng... Đến năm 2050, vùng Tây nguyên sẽ hình thành một số khu du lịch chất lượng cao, điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước.
Phát triển kinh tế biển gắn với quốc phòng, an ninh tại Hoàng Sa, Trường Sa
Quy hoạch TP.Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 định hướng phát triển huyện đảo Hoàng Sa kết hợp đẩy mạnh khai thác tiềm năng phát triển kinh tế biển gắn với tạo lập và xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh trên biển vững chắc và rộng khắp; bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải trên biển. Đồng thời, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam bằng phương pháp hòa bình, trên cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử, phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia, trong đó có Tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC) và Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển năm 1982.
Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng xác định đẩy mạnh xây dựng và phát triển huyện đảo Trường Sa trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước; là pháo đài vững chắc bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc. Hình thành 3 khu bảo tồn biển Nam Yết, Thuyền Chài, Song Tử tại quần đảo Trường Sa. Đến năm 2030, TT.Trường Sa là đô thị loại 5.
Bình luận (0)