Phát triển kinh tế 2023 cần giải pháp ưu tiên phù hợp

18/12/2022 06:42 GMT+7

Chiều 17.12, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên toàn thể cấp cao Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5 với chủ đề "Tổng quan kinh tế Việt Nam năm 2022 và định hướng điều hành năm 2023".

Không tô hồng, cũng không bôi đen

Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng nhấn mạnh lại các yếu tố nền tảng để phát triển đất nước, quan điểm xuyên suốt lấy con người làm trung tâm cũng như 3 đột phá chiến lược của nền kinh tế. Nhờ thực hiện nhất quán, vận dụng phù hợp đường lối đúng đắn trên, sau hơn 35 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn.

Đặc biệt, năm 2022 là điểm sáng đáng tự hào trong hoàn cảnh nhiều khó khăn trong nước cũng như khu vực. “Vừa rồi tôi đi hội nghị có 36 nước tham gia, ai cũng nhắc đến Việt Nam. Mình chẳng tô hồng, cũng không bôi đen, số liệu đã có ở Tổng cục Thống kê, ai thắc mắc có thể xem”, Thủ tướng nói.

Cũng theo Thủ tướng, thuận lợi, thời cơ, khó khăn thách thức đan xen. Vì thế luôn phải sẵn sàng nhận diện, ứng phó, đối xử phù hợp, hiệu quả. Trong đó, khó khăn sau đại dịch là chúng ta chưa hồi phục được, lại có tác động từ bên ngoài, bên trong. Trong đó, nổi lên mấy việc: một là chứng khoán lên xuống, phục hồi nhưng chưa bền vững; trái phiếu doanh nghiệp rủi ro, thanh khoản, cung ứng tiền có vấn đề; thị trường bất động sản (BĐS) ách tắc; thị trường lao động hụt hẫng cục bộ; các vấn đề về xăng dầu, thuốc...

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với các đại biểu tham dự diễn đàn chiều 17.12

Gia Hân

Lành mạnh hóa thị trường chứng khoán, BĐS, trái phiếu

Thủ tướng cũng chỉ rõ nguyên nhân do quản lý yếu kém, thanh kiểm tra chưa đến nơi đến chốn. Thủ tướng ví von như “lúc bệnh còn nhỏ thì sợ không dám xử lý, dần lan truyền ra thành ung thư thì mới xử lý sẽ mất nhiều thời gian, nguồn lực hơn, nhưng không xử lý không được”.

Thủ tướng khẳng định việc xử lý sẽ làm lành mạnh, bền vững các thị trường, đi đúng bản chất; hài hòa lợi ích, rủi ro chia sẻ. Khi đã xử lý thì không có phương án nào hoàn hảo mà phải chọn phương án tốt nhất. Ví dụ như trước đây thị trường chứng khoán, doanh nghiệp (DN) thổi phồng giá lên; trái phiếu phát hành không có tài sản đảm bảo, lãi suất càng cao thì càng rủi ro nhưng không hướng dẫn cụ thể cho khách hàng. Ngân hàng yếu kém, sở hữu chéo, thị trường BĐS thì tập trung vào phân khúc cho người giàu.

Chúng ta không hoang mang, lo sợ, dao động, cũng không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, mà giữ vững bản lĩnh, bình tĩnh, nắm chắc tình hình để đưa ra giải pháp.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Theo người đứng đầu Chính phủ, “bị bệnh rồi thì phải chữa, phải bốc thuốc, mất thời gian, công sức vì ngấm thuốc rồi mới phục hồi được. Xử lý này phải đảm bảo lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân và các đối tượng có liên quan. Khi đã ung thư rồi thì phải cắt đi, phải chịu đau, mất mát tiền bạc và thời gian”.

Cũng theo Thủ tướng, các bộ, ngành phải phản ứng chính sách nhanh hơn, kịp thời và hiệu quả hơn. Vừa qua, Chính phủ đã lập 3 tổ công tác để ngồi lại với nhau, thị trường phải tôn trọng quy luật cạnh tranh cung cầu, nhưng nhà nước cũng cần can thiệp bằng công cụ điều tiết, đồng thời DN phải cơ cấu, điều chỉnh lại, người dân phải chia sẻ. Ví dụ như trái phiếu lúc lãi cao thì 15 - 20%, nhưng giờ giảm xuống 5 - 10%, hoặc chỉ cần thu hồi là được.

2023 là năm bản lề

Thủ tướng cũng khẳng định tinh thần ứng phó khó khăn là luôn bình tĩnh, không quá bi quan. “Chúng ta còn 4 triệu tỉ đồng của DN nhà nước, giải ngân được không? Các tổ chức tín dụng còn 1,2 triệu tỉ đồng, tìm cách đẩy ra, tất cả đều phải suy nghĩ, phải làm. Lúc có lãi, lợi nhuận thì không kêu, lúc không có lợi nhuận thì lại kêu nhà nước. Tất nhiên, nhà nước có lỗi vì không làm tốt quản lý, thanh kiểm tra, vì thế phải khắc phục, làm lành mạnh thị trường”, Thủ tướng nêu vấn đề.

Với nền tảng kinh tế lành mạnh và khả năng lãnh đạo mạnh mẽ, VN có thể đối đầu những cơn gió ngược trong năm 2023. Triển vọng của kinh tế VN vẫn rất tích cực trong trung, dài hạn và sự tìm đến của dòng vốn FDI là một lá phiếu tín nhiệm với VN.

Ông Andrew Jeffries, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á tại VN

Theo Thủ tướng, chỉ riêng hôm 16.12, ông đã ký ban hành 4 công điện gửi các bộ, ngành, địa phương, kêu gọi người dân và DN đồng lòng ủng hộ, triển khai đồng bộ các vấn đề ngân hàng, trái phiếu, BĐS và thị trường lao động, việc làm. “Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết tâm làm, nhưng phải đôn đốc các bộ, ngành làm tích cực hơn”, Thủ tướng nói.

Nêu các giải pháp, Thủ tướng yêu cầu chính sách tiền tệ phải chắc chắn, linh hoạt, hiệu quả, trong điều kiện lạm phát đang kiểm soát được, phải tìm điểm cân bằng giữa tăng trưởng và lạm phát để có ưu tiên. Thủ tướng đề nghị các ngân hàng tìm cách giảm lãi suất để hỗ trợ DN và người dân trong bối cảnh khó khăn. Các tổ chức phát hành trái phiếu cần thực hiện theo đúng cam kết; trường hợp có khó khăn, chủ động đàm phán với nhà đầu tư và nhà đầu tư cũng phải chia sẻ với DN. Về thị trường BĐS, phải cơ cấu lại các phân khúc, giá, sản phẩm, hỗ trợ phát triển các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở thương mại cho người thu nhập thấp...

"Nhà nước có chính sách nhưng các DN cũng phải thay đổi, không thể neo giá cao mãi, chỉ làm phân khúc cho người giàu thì người nghèo, thu nhập thấp không thể tiếp cận được", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Nhắc đến năm 2023 là năm bản lề của thời kỳ kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 nhưng khó khăn nhiều hơn thuận lợi, Thủ tướng cho biết báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội và T.Ư đã nêu rõ tinh thần không bi quan nhưng không lạc quan thái quá, yêu cầu phải bản lĩnh, nghĩ phải chín, hành động phải quyết liệt, tư duy phải mạch lạc.

"Chúng ta không hoang mang, lo sợ, dao động, cũng không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, mà giữ vững bản lĩnh, bình tĩnh, nắm chắc tình hình để đưa ra giải pháp. Tất nhiên, không có giải pháp hoàn hảo, cũng không có lựa chọn hoàn hảo, chỉ có giải pháp, lựa chọn tốt nhất và phải có ưu tiên phù hợp", Thủ tướng phát biểu.

Môi trường đầu tư tại VN tiếp tục được đánh giá cao, nhiều doanh nghiệp tăng vốn, mở rộng quy mô sản xuất. Trong ảnh: Nhà máy Hyundai Thành Công số 2 vừa khánh thành tháng 11.2022

Bá Hùng

Dòng vốn FDI là “lá phiếu tín nhiệm với Việt Nam”

Phát biểu tại phiên cao cấp, theo Trưởng ban Kinh tế T.Ư Trần Tuấn Anh, năm 2022, kinh tế Việt Nam mặc dù không tránh khỏi những tác động bất lợi nhưng đã cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ, về cơ bản đã vượt qua những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 và đang lấy lại đà tăng trưởng vốn có.

Sau thời gian 2 năm 2020 - 2021 tập trung thực hiện mục tiêu kép "vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế", năm 2022 nền kinh tế Việt Nam đã có bước phục hồi mạnh mẽ, đạt kết quả tích cực và tương đối toàn diện; các cân đối lớn luôn được đảm bảo, nền tảng vĩ mô ổn định, đặc biệt là trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều khó khăn, bất ổn, nhiều nền kinh tế suy giảm tăng trưởng.

Cùng quan điểm nền kinh tế đang phục hồi mạnh mẽ, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng trong điều kiện kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, nhiều nền kinh tế lớn suy giảm tăng trưởng nhưng ước cả năm 2022 tốc độ tăng trưởng của Việt Nam vẫn đạt khoảng 8%...

Dù vậy, ông cũng nêu nhiều khó khăn như giải ngân vốn đầu tư công chậm; thị trường BĐS suy giảm, thị trường trái phiếu DN gần như đóng băng; giá xăng dầu, vật tư tăng cao... “Những khó khăn đó đang “bào mòn sức khỏe” của DN, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân; nhiều DN có tình trạng thiếu vốn, khó khăn trong tiếp cận dòng vốn để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhiều DN phải thu hẹp sản xuất do không ký được các đơn hàng mới, đã có hiện tượng người lao động nghỉ tết sớm ở các khu công nghiệp, khu kinh tế trọng điểm”, Phó chủ tịch Quốc hội nêu. Theo ông Hải, yêu cầu cấp thiết là nhận diện đầy đủ nguy cơ, rủi ro; theo dõi, đánh giá kịp thời các tác động để có giải pháp kịp thời; ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh, hoạt động của DN; khơi thông nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh.

Ông Andrew Jeffries, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, nhấn mạnh nhiều kết quả khả quan của kinh tế Việt Nam, đồng thời cho biết ADB điều chỉnh dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 7,5% và có thể đạt mức 8% trong năm 2022. Ông cũng lưu ý một số vấn đề từ tác động bên ngoài và nội tại nền kinh tế. Với năm 2023, ông Andrew Jeffries cho rằng Việt Nam cần cân bằng giữa kiềm chế lạm phát và tăng trưởng.

"Với nền tảng kinh tế lành mạnh và khả năng lãnh đạo mạnh mẽ, Việt Nam có thể đối đầu những cơn gió ngược trong năm 2023. Triển vọng của kinh tế Việt Nam vẫn rất tích cực trong trung, dài hạn và sự tìm đến của dòng vốn FDI là một lá phiếu tín nhiệm với Việt Nam", ông Andrew Jeffries nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.