Đánh giá diện mạo đất nước sau 35 năm đổi mới
Về dự thảo Báo cáo chính trị và Báo cáo 10 năm thực hiện Cương lĩnh 2011 trình Đại hội (ĐH) XIII của Đảng, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, đây là văn kiện trung tâm của ĐH, là căn cứ cơ bản để xây dựng các văn kiện khác.
Sáng 7.10, Hội nghị lần thứ 11, Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XII đã khai mạc tại Hà Nội. Theo Văn phòng T.Ư Đảng, nội dung chính của hội nghị lần này là cho ý kiến về dự thảo văn kiện trình ĐH XIII của Đảng; Báo cáo tình hình KT-XH, ngân sách nhà nước năm 2019, dự kiến kế hoạch phát triển KT-XH, ngân sách nhà nước năm 2020 và một số vấn đề quan trọng khác. Trong ngày đầu tiên của hội nghị, các ĐB làm việc tại tổ, thảo luận về dự thảo Báo cáo chính trị và dự thảo Báo cáo 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011). Hội nghị dự kiến sẽ diễn ra tới ngày 13.10
|
Do đó, Tổng bí thư, Chủ tịch nước đề nghị các đại biểu (ĐB) nghiên cứu kỹ và cho ý kiến tập trung vào các vấn đề lớn thuộc về nội dung như: đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết ĐH XII của Đảng và diện mạo đất nước sau 35 năm đổi mới, 30 năm thực hiện cương lĩnh, tập trung vào
10 năm gần đây; mục tiêu phát triển đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và đến năm 2045; định hướng tiếp tục đổi mới, phát triển các lĩnh vực trọng yếu; các nhiệm vụ trọng tâm và các khâu đột phá chiến lược; nhận thức và giải quyết các mối quan hệ lớn trong quá trình phát triển...
|
“Đặc biệt, chú ý những vấn đề lớn, những nội dung quan trọng về quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, những chủ trương, chính sách, biện pháp đổi mới quan trọng, có ý nghĩa chiến lược, có tính đột phá, khả thi cao và những vấn đề còn có ý kiến khác nhau. Đối với mỗi vấn đề, cần chỉ rõ những chủ trương, chính sách nào của Đảng đã được quán triệt, cụ thể hóa, thể chế hóa và tổ chức thực hiện tốt, đạt kết quả thiết thực; những chủ trương, chính sách nào còn chậm hoặc chưa vào được cuộc sống, chưa phát huy được tác dụng; nguyên nhân vì sao... Vì chủ trương, chính sách chưa sát, hợp với thực tế hay do những hạn chế, yếu kém trong tổ chức thực hiện?”, Tổng bí thư, Chủ tịch nước chỉ rõ.
Đã cần phải sửa đổi Điều lệ Đảng hay chưa?
Về dự thảo Báo cáo kinh tế - xã hội (KT-XH) trình ĐH XIII, Tổng bí thư, Chủ tịch nước đề nghị các ĐB dự hội nghị tập trung thảo luận, đánh giá một cách khách quan, khoa học tình hình thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH 5 năm 2016 - 2020 và 10 năm 2011 - 2020 được đề ra tại 2 kỳ ĐH của Đảng.
“Chỉ rõ những nguyên nhân chủ quan, khách quan của những hạn chế, yếu kém và bài học kinh nghiệm được rút ra. Phải chăng đó là: tăng trưởng nhanh nhưng phải bền vững, dựa trên nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô; phát triển kinh tế phải gắn với phát triển văn hóa, xã hội, con người, bảo vệ môi trường một cách tương xứng, hài hòa; cần phải tập trung ưu tiên xây dựng, hoàn thiện có chất lượng, sát thực tế và tổ chức thực hiện thật nghiêm, thật tốt hệ thống luật pháp, chính sách?”, Tổng bí thư, Chủ tịch nước nêu, đồng thời chỉ rõ, Báo cáo KT-XH cần xác định phương hướng, quan điểm, mục tiêu, các đột phá chiến lược, nhiệm vụ và giải pháp phát triển KT-XH 5 năm 2021 - 2025 và 10 năm 2021 -2030 sao cho thật đúng, thật sát với tình hình.
Đối với Báo cáo 5 năm thực hiện công tác xây dựng Đảng, thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ khóa XII, Tổng bí thư, Chủ tịch nước cũng đề nghị các ĐB thảo luận, cho ý kiến đánh giá kết quả đã đạt được; những hạn chế, vướng mắc trong công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng. “Những hạn chế, vướng mắc nào do khâu tổ chức thực hiện chưa tốt, hướng dẫn chưa rõ; những hạn chế, vướng mắc nào do quy định của Điều lệ Đảng, mức độ đến đâu, đã cần phải bổ sung, sửa đổi điều lệ chưa, hay chỉ cần điều chỉnh bằng quy định, hướng dẫn của T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư?...”, Tổng bí thư, Chủ tịch nước nêu.
Phân tích rõ tình hình Biển Đông
Liên quan tới nội dung KT-XH, ngân sách nhà nước năm 2019 - 2020, Tổng bí thư, Chủ tịch nước đề nghị các ĐB xem xét, phân tích thật kỹ thực tế tình hình; chỉ rõ những kết quả, thành tích nổi bật đã đạt được, những hạn chế, yếu kém còn tồn tại và nguyên nhân. Đồng thời, phân tích, dự báo có căn cứ, cơ sở khoa học, tình hình thế giới và trong nước, nhất là tình hình Biển Đông; chỉ rõ các khả năng có thể xảy ra trong thời gian tới, lường trước những thời cơ, thuận lợi cần nắm bắt, những khó khăn, thách thức cần phải nỗ lực vượt qua để từ đó, đưa ra chính sách, biện pháp phù hợp, có tính khả thi.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước đề nghị chú ý tới những chính sách, biện pháp nhằm khắc phục hạn chế, yếu kém còn tồn tại, đặc biệt là trong giải ngân vốn đầu tư công và triển khai xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng quan trọng; đổi mới, sắp xếp lại và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; quản lý nhà nước về văn hóa, xã hội, nghệ thuật, tôn giáo, tín ngưỡng, thông tin, truyền thông; bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; cải cách hành chính; bảo vệ tài nguyên môi trường, quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công...
Bình luận (0)