Bán bớt dự án chưa triển khai, tập trung dự án đang triển khai
Trao đổi với báo chí, ông Vương Duy Dũng, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), cho biết thị trường bất động sản, các doanh nghiệp bất động sản đang gặp nhiều khó khăn về pháp lý, tài chính.
Ông Vương Duy Dũng, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản |
lê quân |
Thời gian qua, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai dự án bất động sản (Tổ công tác) đã làm việc với nhiều địa phương, doanh nghiệp, nắm bắt được các khó khăn của thị trường, doanh nghiệp bất động sản. Để giải quyết, cần có giải pháp đồng bộ từ cấp T.Ư đến địa phương.
Cũng theo ông Dũng, các vướng mắc về trình tự thủ tục, quá trình làm việc vừa qua, Tổ công tác đã trực tiếp hướng dẫn những vấn đề thuộc thẩm quyền, còn nếu vượt thẩm quyền thì tổng hợp, gửi các bộ, ngành, Chính phủ hướng dẫn.
Về nhóm khó khăn liên quan đến vốn cho thị trường bất động sản, Chính phủ cũng đã chỉ đạo ngân hàng nghiên cứu giải pháp tháo gỡ.
“Tôi cho rằng, những nỗ lực trong thời gian qua đã mang lại những kết quả ban đầu tích cực. Thị trường bất động sản đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất”, ông Dũng nói.
Chủ trì cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, một trong những vấn đề vướng mắc nhiều nhất của các dự án bất động sản là việc tính tiền sử dụng đất, thủ tục giao đất, điều chỉnh quy hoạch đất đai… Đồng thời, còn không ít thủ tục chồng chéo, gây hao tốn nhiều thời gian.
Có những khó khăn mang tính chất ngắn hạn là nguồn tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp. Cùng một thời điểm, các doanh nghiệp phải đáo hạn cả vốn tín dụng và trái phiếu, khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, tác động lớn đến sản xuất của doanh nghiệp.
Theo Thứ trưởng Sinh, một số doanh nghiệp phải dừng triển khai các dự án; doanh nghiệp, nhà thầu phải cho bớt công nhân nghỉ việc…
“Qua làm việc với các địa phương, doanh nghiệp cũng thấy nổi lên vấn đề trách nhiệm của các doanh nghiệp. Giai đoạn thị trường tốt, một lúc doanh nghiệp thực hiện nhiều dự án mà không tự tính toán cân bằng nguồn lực. Có thời điểm doanh nghiệp triển khai quá nhiều dự án khiến không cân bằng được tài chính", ông Sinh nói.
Từ đó, ông Sinh cho rằng, các doanh nghiệp phải cơ cấu lại các dự án bất động sản, theo hướng bán bớt dự án chưa triển khai để tập trung vào dự án đang triển khai, tạo nên dòng vốn lưu thông, thị trường có thanh khoản, từ đó tạo đà triển khai các dự án tiếp theo.
Về lâu dài, việc triển khai dự án phải theo đúng quy định, huy động vốn cho dự án nào phải đảm bảo dòng tiền "chảy" đúng vào dự án đó, tránh đầu tư dàn trải, không đúng dự án, tạo sự mất cân bằng.
Thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội
Đặc biệt nhấn mạnh vào nội dung phát triển nhà ở xã hội, theo ông Dũng, năm 2023 sẽ thúc đẩy đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, người có thu nhập thấp, sau khi Bộ Xây dựng trình đề án xây dựng 1 triệu căn hộ, được Thủ tướng phê duyệt.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết đã đề xuất giao UBND cấp tỉnh cấp hạn mức bố trí quỹ đất làm nhà ở xã hội |
lê quân |
Theo đề án, các địa phương sẽ chủ động triển khai dành quỹ đất lập dự án xây dựng nhà ở xã hội, phối hợp giao nhiệm vụ cho các doanh nghiệp bất động sản có đủ năng lực… Với nội dung, giải pháp cụ thể trong đề án, hy vọng sẽ phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp mạnh mẽ hơn, góp phần giải quyết nhà ở cho các đối tượng thu nhập thấp.
"Theo cơ chế hiện nay, việc chuyển đổi nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội được khuyến khích. Tuy nhiên, việc chuyển đổi nhanh hay chậm, có vướng mắc gì không còn tùy thuộc vào hồ sơ pháp lý của dự án có cần tháo gỡ nhiều hay không?", ông Dũng thông tin thêm.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho biết, liên quan đến quỹ đất phát triển nhà ở xã hội, trước đây trong luật Nhà ở quy định, 20% quỹ đất trong dự án để xây dựng nhà ở xã hội. Tuy nhiên, trong sửa luật Nhà ở, Bộ Xây dựng đã đề xuất giao UBND cấp tỉnh bố trí quỹ đất đầu tư nhà ở xã hội, để mở rộng nguồn lực đất đai đầu tư phát triển loại nhà này.
"Đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội là giải pháp quan trọng, vừa tạo ra nhà ở cho người dân, vừa khiến giá nhà hạ nhiệt, về gần với giá trị thực tế hơn", ông Sinh nói.
Bình luận (0)