‘Phát triển nhanh nhưng phải bền vững, giống gánh 2 thùng nước đầy mà vẫn đi nhanh’

23/12/2022 19:33 GMT+7

Đây là câu ví von của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2023 của Bộ TN-MT ngày 23.12.

Đặt mục tiêu đóng góp 18 - 20% thu ngân sách nội địa

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà cho biết, trong năm 2023, ngành TN-MT tiếp tục đặt trọng tâm “chủ động, hội nhập, sáng tạo, quyết liệt, hiệu quả” để đẩy mạnh chuyển đổi xanh, chuyển đối số, phát huy các nguồn lực tài nguyên và môi trường cho tương lai bền vững.

Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà phát biểu tại hội nghị

ctv

Trong đó, Bộ TN-MT đề ra những nhiệm vụ trọng tâm: quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả, phát huy các nguồn lực tài nguyên; đẩy mạnh chuyển đổi xanh, từng bước phục hồi các hệ sinh thái; thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong thập kỷ phát triển bền vững; hiện đại hóa công tác dự báo, cảnh báo khí tượng thuỷ văn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống thiên tai; chủ động ứng phó trước các thách thức của biến đổi khí hậu…

Bộ trưởng Bộ TN-MT đặt mục tiêu năm 2023, nguồn thu từ tài nguyên và môi trường đóng góp từ 18 - 20% thu ngân sách nội địa; 92% khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung; 96% chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn; 40% rác thải sinh hoạt được xử lý theo mô hình đốt rác, phát điện, tái chế thay cho chôn lấp; tiếp tục phân cấp thẩm quyền đi đôi với kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện; đơn giản hóa 15 - 20% thủ tục hành chính; cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với các thủ tục thiết yếu; đưa chỉ số hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với thủ tục đất đai và môi trường tăng 2 - 3%...

Năm 2022 thu ngân sách quốc gia từ đất đai hơn 270.000 tỉ đồng

Theo báo cáo tổng kết của Bộ TN-MT, tính đến ngày 15.12, toàn ngành đã triển khai 839 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với gần 1.500 tổ chức, cá nhân. Kết quả, đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính gần 450 tổ chức, cá nhân với số tiền hơn 38 tỉ đồng; kiến nghị truy thu nộp ngân sách nhà nước hơn 12 tỉ đồng; kiến nghị thu hồi hơn 363 ha đất.

Đông đảo đại biểu nhiều bộ, ngành, địa phương tham dự hội nghị

lê quân

Trong 11 tháng năm nay, Bộ TN-MT đã tiếp nhận hơn 3.000 lượt đơn khiếu nại, tố cáo, tranh chấp của hàng trăm lượt người dân. Đã báo cáo Thủ tướng 6 vụ việc, cử đoàn thẩm tra, xác minh 20/20 vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Thủ tướng. Thành lập đoàn công tác xác minh 98/120 vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ TN-MT và ban hành quyết định giải quyết 10 vụ việc.

Về lĩnh vực đất đai, đến hết năm 2022, đã có 554/701 đơn vị cấp huyện hoàn thành việc lập quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Cả nước đã chuyển dịch gần 20.000 ha đất nông nghiệp sang các mục đích phi nông nghiệp; khai thác gần 30.000 ha đất chưa sử dụng để phát triển rừng đưa diện tích đất có rừng lên 15,44 triệu ha, chiếm 46,59% diện tích tự nhiên của cả nước.

Đồng thời, kiểm tra, xử lý thu hồi, hủy bỏ chủ trương đầu tư đối với các dự án chậm triển khai, chậm đưa đất vào sử dụng với diện tích trên 10.000 ha.

Năm 2022 mặc dù Chính phủ đã thực hiện các giải pháp miễn giảm, giãn hoãn thu tiền thuê đất, tuy nhiên nguồn lực đất đai tiếp tục đóng góp quan trọng trong cơ cấu thu ngân sách quốc gia đạt hơn 270.000 tỉ đồng, chiếm hơn 20% tổng thu nội địa.

Về quản lý tài nguyên nước, Bộ TN-MT đã hoàn thành, công bố báo cáo tài nguyên nước quốc gia lần đầu và Đề án bảo vệ nước dưới đất ở các đô thị lớn; ban hành các quy định và công bố danh mục các ao, hồ khu vực bảo vệ nguồn nước không được san lấp; 11 tháng năm 2022 đã phê duyệt tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước cho 80 công trình, thu được hơn hơn 75 tỉ đồng…

Theo Bộ TN-MT, nguồn thu từ khai thác khoáng sản do các tổ chức, cá nhân nộp vào ngân sách nhà nước là hơn 4.000 tỉ đồng, đạt hơn 131%, ngành công nghiệp khai khoáng tăng 6,5% so với năm 2021.

Về lĩnh vực môi trường, cả nước đã hoàn thành chỉ tiêu 91% khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung theo yêu cầu của Quốc hội; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom xử lý tại khu vực đô thị đạt khoảng 96,37% (cao hơn so với chỉ tiêu Quốc hội giao 89%); đã có 11 nhà máy xử lý, đốt rác phát điện được khởi công; số vụ việc vi phạm pháp luật về môi trường gây ô nhiễm môi trường giảm 65,38%, tỷ lệ người dân quan ngại về môi trường giảm từ 12,53% năm 2016 xuống còn 4,03 % năm 2020 và đến nay còn 1,55%.

Phát triển nhanh nhưng phải bền vững

Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định phát triển bền vững là định hướng phát triển rất đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Đó là cân đối giữa vùng có động lực phát triển mạnh và vùng khó khăn, hài hòa trong từng bước phát triển thay vì chỉ ưu tiên chỗ thuận lợi thì vẫn dành đầu tư cho vùng khó khăn, dù hiệu quả, tốc độ tăng trưởng kinh tế bị chậm lại.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đặt vấn đề phát triển nhanh nhưng phải bền vững đối với ngành TN-MT

ctv

"Phát triển nhanh nhưng phải bền vững giống như gánh 2 thùng nước đầy mà vẫn đi rất nhanh, không để sánh nước ra ngoài", Phó thủ tướng ví von và nêu rõ yêu cầu phải khơi dậy khát vọng, quán triệt mục tiêu phát triển bền vững, đúng xu thế, tăng cường đổi mới sáng tạo.

Đồng thời, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị ngành TN-MT tiếp tục tham mưu cho Chính phủ và Quốc hội xây dựng bộ luật, hệ thống văn bản dưới luật về đất đai nhằm giải quyết triệt để những khó khăn, bất cập hiện nay, đồng thời đẩy mạnh việc số hóa đất đai, tiến tới thiết lập mã định danh với từng thửa đất.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng chỉ ra những "dư địa" mà ngành TN-MT có thể làm tốt hơn là quản lý tài nguyên môi trường biển, tài nguyên môi trường đất liền, công nghiệp hạ tầng cơ sở… tạo nguồn lực cho nền kinh tế.

"Tuy nhiên, đây không chỉ là nhiệm vụ, trách nhiệm của riêng Bộ TN-MT, và cần tăng cường sự phối hợp với các bộ, ngành, các cấp, cơ quan, đoàn thể để lan tỏa ra toàn xã hội, hình thành lối ứng xử phù hợp của từng công dân, từng tổ chức trong các lĩnh vực này", Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.