Phát triển thể dục thể thao trong giai đoạn mới

19/02/2024 08:59 GMT+7

Bộ Chính trị vừa có kết luận số 70-KL/TW về phát triển thể dục, thể thao trong giai đoạn mới làm "kim chỉ nam" để thể thao VN ngày càng nâng cao vị thế ở đấu trường quốc tế.

Tiến bộ vượt bậc nhưng vẫn còn nhiều hạn chế

Kết luận của Bộ Chính trị nêu rõ sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW, thể thao thành tích cao đạt nhiều tiến bộ vượt bậc, tăng vị trí xếp hạng trong khu vực, châu lục và quốc tế. Chính sách xã hội hóa từng bước được đẩy mạnh, thu hút nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia đầu tư, sản xuất, kinh doanh, tạo sự đa dạng trong cung ứng hàng hóa, dịch vụ thể dục, thể thao (TDTT), mở rộng hợp tác quốc tế.

Phát triển thể dục thể thao trong giai đoạn mới- Ảnh 1.

Thể thao VN hứa hẹn sẽ được quan tâm đầu tư mạnh mẽ hơn

Ngọc Dương

Tuy nhiên kết luận của Bộ Chính trị cũng chỉ ra một số cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, người đứng đầu chưa quan tâm đúng mức đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển TDTT. Nguồn lực đầu tư còn thấp. Thể thao chuyên nghiệp, thể thao thành tích cao chưa phát triển vững chắc. Chính sách với VĐV, HLV có mặt còn hạn chế. Công tác giáo dục thể chất và thể thao trường học chưa đáp ứng được yêu cầu toàn diện. Nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, y học và công tác huấn luyện chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn.

Ông Đặng Hà Việt, Cục trưởng Cục TDTT, cho biết kết luận 70-KL/TW của Bộ Chính trị cũng cho biết nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém trên chủ yếu do nhận thức chưa đầy đủ, sâu sắc về vị trí, vai trò quan trọng của sự nghiệp TDTT trong phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đổi mới công tác quản lý nhà nước chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Chính sách phát triển kinh tế thể thao, xã hội hóa, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, đầu tư, chuyển giao, ứng dụng khoa học - công nghệ chưa đủ mạnh. Ngoài ra, vai trò của các tổ chức xã hội và xã hội - nghề nghiệp chưa được phát huy đầy đủ.

5 nhiệm vụ trọng tâm

Kết luận của Bộ Chính trị đưa ra 5 nhiệm vụ trọng tâm để phát triển TDTT trong giai đoạn mới như nâng cao trách nhiệm của tất cả các cơ quan, ban ngành; sớm ban hành chiến lược phát triển sự nghiệp TDTT đến năm 2023, tầm nhìn đến năm 2045; phát triển thể thao quần chúng, thể thao học đường, tập trung phát triển thể thao thành tích cao lấy các môn Olympic làm trọng điểm; tăng cường các nguồn lực cho thể thao, hiện đại hóa các trung tâm huấn luyện, công tác huấn luyện, đào tạo VĐV; khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở thể thao, tham gia tổ chức thi đấu, đào tạo VĐV, HLV…

Trao đổi với Thanh Niên, ông Đặng Hà Việt cho biết: "Giai đoạn hiện nay ngành thể thao tập trung giải quyết các vấn đề của thể thao thành tích cao, trong đó đầu tư lực lượng trọng điểm của 12 - 15 môn thể thao hướng đến đấu trường châu lục, Olympic. Hiện tại ở công tác đào tạo chúng tôi dựa trên nền tảng là các đội tuyển đã được đầu tư với những nhân tố có chuyên môn tốt để làm các nhiệm vụ trước mắt, gần nhất là Olympic Paris 2024. Về lâu dài phải xây dựng chương trình phát triển các môn thể thao trọng điểm, áp dụng chuyển đổi số trong tuyển chọn, đào tạo, quản lý cùng sự đầu tư đồng bộ để có kết quả tốt hơn. Bên cạnh đó, ngành thể thao còn phối hợp với các ngành khác như giáo dục nhằm xây dựng hệ thống thể thao học đường có tính đồng bộ. Tiêu chí tuyển chọn VĐV các tuyến cũng sẽ có sự thống nhất với các địa phương, tránh mỗi nơi làm một kiểu dẫn đến khi VĐV lên các tuyến đội tuyển phải điều chỉnh".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.