Quy mô đô thị gây áp lực lên hạ tầng
Theo Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng, dù đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của cả nước, nhưng phát triển vùng đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) đã và đang đối mặt với nhiều thách thức, còn bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém.
Các địa phương phát triển không đồng đều, tăng trưởng phụ thuộc nhiều vào vốn và lao động; cơ cấu thu ngân sách chưa bền vững. Một số địa phương phụ thuộc quá nhiều vào một vài dự án đầu tư nước ngoài quy mô lớn. Các khu công nghiệp thiếu liên kết, chưa hình thành được các cụm liên kết ngành. Hệ thống đô thị phát triển chưa hợp lý, thiếu bền vững, còn nhiều bất cập. Liên kết, hợp tác giữa các địa phương trong vùng chưa chặt chẽ, hiệu quả thấp, đặc biệt là các vấn đề về lao động, thị trường tiêu thụ, hệ thống kết nối giao thông…
Vì vậy, Nghị quyết số 30-NQ/TW năm 2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSH đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (gọi tắt Nghị quyết 30) đã xác định rõ cần "xây dựng thể chế liên kết vùng đủ mạnh, bảo đảm hiệu quả điều phối, liên kết phát triển vùng". Ngoài ra, Quyết định 826 về thành lập Hội đồng Điều phối vùng ĐBSH đã đề ra 12 nhiệm vụ, quyền hạn của hội đồng, trong đó nhấn mạnh việc điều phối phải bảo đảm nguyên tắc đồng thuận, bình đẳng, công khai, minh bạch.
Đánh giá về mức độ đô thị hóa của ĐBSH, theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, hệ thống đô thị của vùng ĐBSH phát triển mạnh mẽ trong gần 30 năm qua. Trong đó, 3 đô thị lớn là Hà Nội, Hải Phòng và Hạ Long (Quảng Ninh) là các đô thị động lực của vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ.
Tuy nhiên, một số chỉ tiêu phát triển chưa đạt, như phát triển đô thị còn chênh lệch lớn giữa tiểu vùng phía bắc Hà Nội (gồm Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh và Hải Dương) và tiểu vùng phía nam (gồm Hà Nam, Ninh Bình, Thái Bình và Nam Định). Chất lượng đô thị chưa tương xứng với quá trình phát triển KT-XH; tăng trưởng quy mô đô thị tạo áp lực lớn lên hệ thống hạ tầng; còn tình trạng phát triển đô thị thiếu kiểm soát. Lãnh đạo Bộ Xây dựng cũng đề xuất các giải pháp phân bổ không gian đô thị và giải nén, giảm tải cho các đô thị lớn vùng ĐBSH.
Để vùng ĐBSH có thể trở thành trung tâm KH-CN và đổi mới sáng tạo hàng đầu của cả nước, Bộ trưởng Bộ KH-CN Huỳnh Thành Đạt nêu giải pháp xây dựng và phát triển các khu, trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, trí tuệ nhân tạo tại Hà Nội, Hải Phòng, Hà Nam… Trong đó, Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ với hạt nhân là khu công nghệ cao Hòa Lạc, các viện nghiên cứu, trường đại học. Hải Phòng trở thành trung tâm quốc tế về đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng KH-CN về biển…
Cùng quan điểm này, theo Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng, vùng ĐBSH phải có một trung tâm chuyển đổi số. TP.Hà Nội có trách nhiệm đi trước về chuyển đổi số, qua đó giúp đỡ toàn vùng chuyển đổi số.
Xây dựng chính sách đặc thù, vượt trội
Cho rằng nhiệm vụ của Hội đồng Điều phối vùng ĐBSH khá nặng nề khi vùng được xác định có vai trò động lực phát triển hàng đầu, Phó trưởng ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Hồng Sơn kiến nghị cần sớm ban hành quy hoạch vùng và quy hoạch các địa phương trong vùng, đảm bảo được sự thống nhất giữa các cấp quy hoạch, tránh sự chồng chéo, mâu thuẫn. Đồng thời cần khẩn trương sửa đổi luật Ngân sách để cho phép địa phương này có thể được dùng ngân sách tài trợ hoạt động ở địa phương khác cũng như tài trợ cho các hoạt động liên tuyến, đảm bảo cho cơ chế hoạt động mạnh của hội đồng.
Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho rằng việc thành lập Hội đồng Điều phối vùng ĐBSH là căn cứ quan trọng để xây dựng các chính sách đặc thù, vượt trội, thúc đẩy liên kết, phát triển vùng, tạo điều kiện thuận lợi để Hà Nội trở thành thành phố thông minh, hiện đại, có bản sắc riêng. Chủ tịch Hà Nội đề xuất cần có quy chế phối hợp xử lý các vấn đề khủng hoảng, sự cố thiên tai, dịch bệnh và các vấn đề liên quan đến quốc phòng, an ninh; quy chế phối hợp xử lý các vấn đề về môi trường, trước mắt là môi trường nước. Ban hành một số nguyên tắc thỏa thuận trong vùng về kết nối giao thông, gồm cả giao thông đường bộ, đường thủy và đường sắt.
Đề cập đến phát triển trung tâm kinh tế biển và tam giác động lực phát triển của vùng ĐBSH, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy đề xuất các nhóm giải pháp thúc đẩy phát triển hệ thống mạng lưới giao thông huyết mạch, kết nối vùng, liên vùng, một trong 3 đột phá chiến lược là ưu tiên hàng đầu. "Cần cho phép cơ chế mở để các địa phương vùng ĐBSH có thể sử dụng ngân sách của mình để đầu tư, nâng cấp các tuyến quốc lộ cũng như ưu tiên đầu tư các tuyến đường huyết mạch có tính chất kết nối vùng, liên vùng", ông Huy nêu.
Không phân mảnh, không chia cắt
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định vùng ĐBSH là địa bàn chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, chủ quyền biển đảo; cửa ngõ phía bắc của đất nước và ASEAN về kết nối phát triển kinh tế, thương mại với Trung Quốc... Với rất nhiều tiềm năng và lợi thế, song KT-XH vùng phát triển chưa tương xứng, các địa phương phát triển không đồng đều, phụ thuộc nhiều vào vốn và lao động.
Khẳng định hội đồng điều phối góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong liên kết, kết nối vùng, nhưng theo Thủ tướng, các tỉnh, thành phố cần phát huy tinh thần tự lực, tự cường, không trông chờ ỷ lại. Thủ tướng cũng nhấn mạnh 6 nội dung quan trọng về liên kết, kết nối vùng, trước hết là trong việc thúc đẩy 3 đột phá chiến lược.
Hà Nội sẽ thành trung tâm đổi mới sáng tạo của Đông Nam Á
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đề xuất 5 nội dung nhằm tăng cường vai trò, trách nhiệm của Hà Nội đối với sự phát triển của vùng ĐBSH. Theo đó, trên cơ sở đổi mới về tư duy và nhận thức, cần khẩn trương đẩy mạnh việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách; ban hành và thực hiện các chính sách ưu tiên vượt trội, có tính đột phá cao cho phát triển vùng. Đối với Hà Nội, trước mắt là việc xây dựng và trình Quốc hội thông qua luật Thủ đô (sửa đổi).
Đồng thời xây dựng vùng ĐBSH trở thành trung tâm kinh tế chất lượng cao, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, y tế và giao dịch quốc tế của cả nước. Hà Nội đặt mục tiêu trở thành trung tâm KH-CN và đổi mới sáng tạo hàng đầu của cả nước, tiến tới là trung tâm KH-CN và đổi mới sáng tạo của khu vực Đông Nam Á trong một số lĩnh vực.
Thứ nhất, kết nối hạ tầng giao thông, nhất là tuyến cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng, tuyến đường ven biển từ Thanh Hóa ra Quảng Ninh; kết nối hạ tầng kỹ thuật về điện, nước, viễn thông.
Thứ hai là kết nối phát triển, đào tạo và sử dụng nhân lực, đơn cử như việc điều động nhân lực tại các địa phương của vùng trong phòng chống Covid-19.
Thứ ba, kết nối xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách ưu tiên, ưu đãi, đặc thù, vượt trội cho vùng.
Thứ tư là về tài chính, cần sử dụng hiệu quả nguồn vốn nhà nước đầu tư cho vùng và tạo liên kết, phát huy vai trò nguồn vốn của các địa phương theo tinh thần Nghị quyết 30 là cho phép ngân sách địa phương đầu tư các dự án vùng và liên kết vùng. Cùng với đó, đẩy mạnh liên kết, hợp tác công - tư (PPP) theo luật PPP và liên kết thu hút đầu tư FDI, sử dụng nguồn vốn ODA. Tinh thần là không phân mảnh, không chia cắt, phát huy sức mạnh tổng hợp.
Thứ năm, liên kết phát triển hạ tầng xã hội (nhất là nhà ở), y tế, giáo dục, văn hóa gắn với phát triển du lịch.
Thứ sáu là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng và chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau giữa các địa phương trong vùng.
Thủ tướng cũng chỉ rõ 11 nhiệm vụ cụ thể trong triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm. Trong đó, các bộ, địa phương khẩn trương kiện toàn bộ máy tổ điều phối cấp bộ, cấp tỉnh tinh gọn và giao việc cụ thể, bảo đảm bắt tay ngay vào các nhiệm vụ liên quan đến điều phối và liên kết vùng. Đẩy mạnh công tác quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch vùng và các tỉnh, thành phố trong quý 3, riêng Hà Nội trong quý 4/2024.
Về cơ chế, chính sách đặc thù, ưu đãi, vượt trội cho vùng ĐBSH và xây dựng luật Thủ đô, giao Bộ KH-ĐT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan nghiên cứu kỹ lưỡng, đề xuất các cơ chế, chính sách đổi mới nhằm phát triển vùng, trong đó có các cơ chế, chính sách về điều phối, phát triển liên kết vùng. Khẩn trương hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền dự thảo luật Thủ đô sửa đổi.
Ngoài ra, các địa phương khẩn trương chuẩn bị các công việc, thủ tục để triển khai các dự án cụ thể, trong đó có dự án cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng. Nghiên cứu phát hành trái phiếu trong nước hoặc vay vốn ODA với cơ chế đột phá để đầu tư các tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội, đường sắt kết nối Hà Nội với Hà Nam, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hòa Lạc; nghiên cứu thành lập hình thành quỹ phát triển hạ tầng vùng...
Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc liên kết hình thành, phát triển các khu công nghệ cao, trung tâm đổi mới sáng tạo. Bộ KH-CN khẩn trương hoàn thành việc chuyển giao quản lý khu công nghệ cao Hòa Lạc về Hà Nội trong tháng 8, phát huy vai trò của khu công nghệ cao Hòa Lạc với cả vùng. Đầu quý 4, hội đồng sẽ kiểm điểm lại việc triển khai các nhiệm vụ tại hội nghị lần thứ nhất và đầu tháng 12 sẽ giúp Bộ Chính trị sơ kết, đánh giá 1 năm triển khai Nghị quyết 30.
Bình luận (0)