10 giờ sáng, tại chùa Tường Nguyên nhiều phật tử có mặt ở bếp ăn, người nhào bột, người thái lá chanh, người chuẩn bị hạt sen, hạt điều… để làm bánh trung thu. Không khí rôm rả, mọi người cười nói vui vẻ. Những chiếc lò nướng hoạt động liên tục, mỗi ngày bếp ăn của chùa làm được khoảng 2.000 bánh (mỗi chiếc nặng 250 g), dự kiến dịp trung thu năm nay sẽ làm được tổng cộng khoảng 20.000 - 30.000 chiếc.
Những chiếc bánh yêu thương
Cụ Tư (81 tuổi, ở Q.4) cho biết từ 6 giờ sáng đã đến chùa để cùng làm bánh với mọi người. Tuổi đã cao nhưng cụ vẫn ngồi trên ghế nhỏ nhiều tiếng để hoàn thành "nhiệm vụ" thái lá chanh làm nhân bánh. Lá chanh qua tay cụ được thái sợi nhỏ, đều tăm tắp. Việc đến chùa phụ làm bánh là thói quen của cụ bà tóc đã bạc phơ suốt nhiều năm nay.
Hành trình của 30.000 bánh trung thu thơm phức, trao tặng yêu thương
"Tôi rất hạnh phúc khi góp chút công sức nhỏ lan tỏa tình thương, niềm vui đến mọi người. Tôi ngồi lâu sẽ đau lưng một chút nhưng vẫn cố gắng làm, vì nghĩ đến những người khó khăn ngoài kia thì điều này chẳng đáng gì", cụ Tư chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Xuân Trang (55 tuổi) trước đây buôn bán ở chợ Bến Thành. Sau dịch Covid-19, bà bị đau khớp gối nên không đi làm được, phải thuê người trông coi, bán hàng. Thời điểm đó có người rủ về chùa phụ mọi người ở bếp ăn, bà thấy đủ duyên nên gật đầu và gắn bó đến nay. Đều đặn hằng tuần, bà sắp xếp đến phụ, không được cả ngày thì cũng cố gắng được vài tiếng để thấy lòng thư thái.
"Buổi sáng tôi đến đây việc đầu tiên là lạy Đức Phật cầu nguyện mọi người trong bếp ăn làm việc vui vẻ, hòa đồng và an toàn. Đợt này chúng tôi đang làm bánh trung thu, mong nhiều trẻ em có không khí đoàn viên. Trước đây tôi bon chen buôn bán nhưng giờ về đây không cần kiếm tiền, chỉ cần an lạc", bà Trang nói.
Đang mùa trung thu, sư thầy ở chùa nhận được nhiều tin nhắn từ các giáo viên, đơn vị tổ chức tết trung thu cho trẻ em khó khăn ngỏ ý xin hỗ trợ. Sư thầy đọc và cân đối từng trường hợp để làm và gửi tặng. Những chiếc bánh sẽ được trao tặng cho trẻ em vùng sâu, vùng xa ở các tỉnh Đắk Nông, Quảng Bình, Kiên Giang, Vĩnh Long, Bình Phước…
"Người tặng, người nhận đều vui!"
Bà Lê Thị Dung (64 tuổi, ở Q.7) chia sẻ mong ước của bản thân là có sức khỏe để gắn bó với bếp ăn. Bà nói rằng công sức bản thân bỏ ra "không đáng là bao" so với nhiều người. "Tôi ở nhà sẽ rất buồn chán, sinh bệnh, còn đến đây vui lắm. Sáng tôi dậy sớm dọn dẹp nhà cửa rồi đến bếp ăn phụ làm", bà Dung chia sẻ.
Đại đức Thích Minh Phú, Ủy viên Hội đồng Trị sự T.Ư Giáo hội Phật giáo VN, trụ trì chùa Tường Nguyên, cho biết nguyên liệu làm bánh trung thu được lựa chọn tỉ mỉ, kỹ càng như hạt sen ở Huế, hạt điều ở Bình Phước, hạt dưa Quảng Ngãi…
"Mọi người làm bằng tấm lòng, muốn dành cho trẻ em khó khăn một mùa trung thu ấm áp, hạnh phúc. Các nguyên liệu được sơ chế kỹ càng, rửa từng lá chanh một, chọn lựa từng loại hạt… Nếu làm chiếc bánh 100 g sẽ quá nhỏ nên bếp ăn làm lớn hơn để cả gia đình các bé cùng thưởng thức, chung vui trong tết đoàn viên", đại đức Thích Minh Phú bày tỏ.
Sư thầy Minh Phú chia sẻ, niềm vui của người làm sẽ lan tỏa đến với người nhận qua từng chiếc bánh. Bếp ở chùa có nhiều cô chú lớn tuổi, hàng xóm xung quanh đều đặn đến chung tay, góp sức.
"Chỉ cần thông báo lịch bếp ăn đỏ lửa, mọi người đều nhiệt tình đăng ký tham gia, mỗi người một công việc và đều đến đây bằng tinh thần tự nguyện. Có những người ở rất xa nhưng lúc nào cũng có mặt nấu những phần ăn ngon, làm chiếc bánh bánh đẹp trong dịp trung thu này", sư thầy Minh Phú nói.
Bình luận (0)