Phẫu thuật '2 trong 1' lấy sỏi, cắt túi mật cho bệnh nhân chạy thận nhân tạo

05/05/2023 18:13 GMT+7

Bệnh nhân tên H.T.K, 65 tuổi, ở huyện Bình Chánh, TP.HCM, đang chạy thận nhân tạo định kỳ điều trị suy thận mạn giai đoạn 5 (giai đoạn cuối), thì đột ngột xuất hiện cơn đau bụng hạ sườn phải.

Ngày 5.5, Th.S-BS Nguyễn Thế Toàn - Trưởng khoa Ngoại, Bệnh viện Gia An 115, cho biết sau khi tiếp nhận thông tin, ê kíp đã nhanh chóng thực hiện các cận lâm sàng cần thiết, nhờ đó kịp thời phát hiện bệnh. 

Kết quả cận lâm sàng cho thấy người bệnh bị viêm túi mật cấp do sỏi, có sỏi cổ túi mật kích thước 26x20 mm và sỏi đoạn cuối ống mật chủ kích thước 12x14 mm gây dãn ống mật chủ. 

Phẫu thuật '2 trong 1' lấy sỏi, cắt túi mật cho bệnh nhân chạy thận nhân tạo - Ảnh 1.

Sỏi cổ túi mật sau khi được lấy ra

T.T

"Tuy chưa gây tắc mật nhưng túi mật đã căng to, nếu không được xử trí kịp thời thì có thể dẫn đến tình trạng hoại tử mô túi mật, vỡ túi mật, từ đó gây ra các nguy cơ như viêm phúc mạc, nhiễm khuẩn huyết, thậm chí tử vong", bác sĩ Toàn cho biết.

Với tình trạng này, người bệnh cần được lấy sỏi ống mật chủ và cắt túi mật ngay. Tuy nhiên, việc đang sử dụng thuốc chống đông do chạy thận nhân tạo định kỳ sẽ làm tăng rủi ro cho cuộc phẫu thuật vì làm tăng nguy cơ xuất huyết. Thêm vào đó, người bệnh cao tuổi và béo phì cũng là một yếu tố làm tăng rủi ro.

Sau khi các bác sĩ khoa Ngoại và đơn vị Nội thận - Thận nhân tạo hội chẩn, các bác sĩ đã quyết định thực hiện phẫu thuật 2 trong 1 cho người bệnh. Bao gồm nội soi mật tụy ngược dòng để cắt cơ vòng nhằm lấy sỏi ống mật chủ và nội soi cắt túi mật cho người bệnh.

Phẫu thuật '2 trong 1' lấy sỏi, cắt túi mật cho bệnh nhân chạy thận nhân tạo - Ảnh 2.

Bệnh nhân hồi phục sau phẫu thuật

T.T

May mắn, cuộc phẫu thuật đã hết sức thành công. Hậu phẫu, người bệnh được chăm sóc tích cực, kết hợp chạy thận định kỳ theo lịch. Người bệnh được xuất viện trong tình trạng ổn định, không đau bụng, không sốt, vết mổ khô.

Không nên chủ quan với những cơn đau bụng

Bác sĩ Toàn cho biết, viêm túi mật nếu không có biến chứng thì có tiên lượng tốt, tỷ lệ tử vong thấp, nếu được điều trị thích hợp thì có thể giảm triệu chứng sau 1-4 ngày. Viêm túi mật có biến chứng hoại tử hoặc thủng gây viêm phúc mạc mật thì có tiên lượng xấu hơn. 

Chính vì vậy,  khi có các triệu chứng đầu tiên cảnh báo viêm túi mật, người bệnh cần đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và can thiệp kịp thời. Đó có thể là cơn đau quặn ở thượng vị hay hạ sườn phải, một số trường hợp đau lan lên vai phải. Sau đó, người bệnh có thể xuất hiện sốt. Nếu không được can thiệp, người bệnh có thể đau dữ dội, sốt cao, có hội chứng nhiễm trùng rõ rệt như môi khô lưỡi bẩn thở hôi, mệt, lờ đờ… 

Nếu tùy tiện dùng các loại thuốc giảm đau, hạ sốt hay trì hoãn việc điều trị, tình trạng viêm túi mật có thể diễn tiến gây những biến chứng khôn lường. Như trong trường hợp người bệnh trên, may mắn nhờ sự theo dõi sát sao và chỉ định cận lâm sàng kịp thời của các bác sĩ Nội thận - Thận nhân tạo, người bệnh mới được phát hiện viêm túi mật và tắc mật do sỏi ống mật chủ được xử trí ngay lập tức, tránh được rủi ro không đáng có.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.