Phẫu thuật cứu bé sơ sinh 1 ngày tuổi nghi mắc thai trong thai hiếm gặp

23/02/2021 15:00 GMT+7

Thai trong thai thực chất là những cặp song sinh cùng trứng nhưng vì một nguyên nhân nào đó mà trong quá trình phát triển của phôi thai xảy ra tình trạng phôi này trùm lên phôi kia, khiến phôi nằm trong phôi.

Ngày 23.2, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) cho biết các bác sĩ phẫu thuật ung bướu của bệnh viện đã phẫu thuật thành công cho bé gái 1 ngày tuổi có khối u ổ bụng to gây nguy hiểm và nghi mắc thai trong thai hiếm gặp.

Mới sinh đã có u ổ bụng to

Bé gái 1 ngày tuổi sinh non ở tuần 36, cân nặng lúc sinh 3,4 kg tại Bệnh viện Từ Dũ. Sau sinh bụng bé trướng căng, suy hô hấp, bé được đặt nội khí quản và chuyển sang Bệnh viện Nhi đồng 2.
“Siêu âm tiền sản phát hiện khối u vùng bụng thai nhi với nhiều thành phần chưa rõ bản chất, tăng nhanh về kích thước”, tiến sĩ-bác sĩ Hà Tố Nguyên, người đã theo dõi thai nhi ở Bệnh viện Từ Dũ, cho biết.
Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, qua thăm khám, chụp CT-scanner bụng, bác sĩ Mai Tấn Liên Bang, Trưởng Khoa Chẩn đoán hình ảnh, ghi nhận khối choán chỗ lớn trong ổ bụng thai nhi, bên trong có cấu trúc mô đặc, dịch, mô mỡ, và nhiều cấu trúc dạng xương ống và xương dẹt, có nhiều mạch máu nuôi xuất phát từ động mạch mạc treo tràng và dẫn lưu về tĩnh mạch gan. Do khối u quá to gây tình trạng suy hô hấp, nên tiến sĩ-bác sĩ Trương Đình Khải, Trưởng ê kíp phẫu thuật ung bướu, chỉ định cho bé phẫu thuật cấp cứu.

Nghi ngờ mắc thai trong thai

Kết quả phẫu thuật ghi nhận khối u chiếm gần hết ổ bụng em bé. Khối u nằm phía dưới gan, mạch máu nuôi xuất phát từ mạch máu dạ dày, u có dạng bào thai, với cấu trúc túi chứa dịch nằm cạnh khối này tương tự túi ối, cùng với nhiều cấu trúc xương trưởng thành như xương vai và xương ống, xương cột sống không hoàn chỉnh. Tuy nhiên, hình dạng các chi trưởng thành khá rõ.
Sau 1 giờ 30 phút, ca phẫu thuật thành công, tình trạng hô hấp của bé được cải thiện rõ rệt, bé được chuyển sang khu hồi sức sơ sinh an toàn. Hiện bé đã hồi phục và xuất viện.
Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Trúc, bác sĩ trong ê kíp mổ, thì khối u ổ bụng này không thể phân biệt với thai trong thai, do các thành phần mô trưởng thành rất rõ rệt tương tự một cơ thể thai nhi khác trong bụng bé. Tuy vậy, cách điều trị 2 loại này giống nhau đều là phẫu thuật triệt để cắt trọn không để sót, và theo dõi bệnh nhi như một trường hợp u quái mặc dù chẩn đoán sau phẫu thuật là thai trong thai…

Thai trong thai là gì?

Theo bác sĩ, thai trong thai thực chất là những cặp song sinh cùng trứng nhưng vì một nguyên nhân nào đó mà trong quá trình phát triển của phôi thai xảy ra tình trạng phôi này trùm lên phôi kia khiến phôi nằm trong phôi. Do vậy, khi sinh ra em bé đã có sẵn một bào thai nằm trong bụng. Y khoa gọi là hiện tượng song sinh phát triển không hoàn chỉnh, rất hiếm với tỉ lệ gặp là 1/500.000 ca.
Siêu âm là phương tiện đầu tay, giúp xác định chẩn đoán với ưu điểm sẵn có, dễ thực hiện, có thể lặp lại nhiều lần với độ an toàn cao. Với những tiến bộ của siêu âm, chất lượng hình ảnh đã được nâng cao và giúp chẩn đoán chính xác trong thời gian sớm.
Với điều trị thai trong thai thì phẫu thuật vẫn là lựa chọn tối ưu. Sau mổ, bệnh nhân nên tiếp tục được theo dõi bởi các bác sĩ ngoại nhi. Thời gian theo dõi ít nhất 3 năm để tránh bỏ sót bệnh lý ác tính nếu có sự sai sót về mặt mô học, và dựa trên các dấu ấn sinh học u và hình ảnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.