Chiều 10.4, bác sĩ Nguyễn Xuân Dũng, Trưởng khoa Ung bướu BV Đa khoa tỉnh Quảng Trị, cho biết sau ca mổ căng thẳng, kéo dài gần 3 tiếng đồng hồ, kết thúc lúc 12 giờ trưa cùng ngày, bệnh nhân L.T.H (71 tuổi, trú xã Triệu Trạch, H.Triệu Phong, Quảng Trị) đã tỉnh, các dấu hiệu sinh tồn ổn định...
tin liên quan
Cứu sống nạn nhân bị ống sắt đâm thấu ngựcTheo bác sĩ Dũng, gần 1 năm qua, bệnh nhân liên tục nhập viện do thiếu máu, cứ mỗi tháng 1 lần phải tuyền 10 đơn vị máu cho bà. Do bà H. từng có tiền sử ung thư cổ tử cung đã phẫu thuật và xạ trị cách đây 7 năm nên ban đầu các bác sĩ nghi ngờ bệnh tái phát. Tuy nhiên, qua kiểm tra kỹ lưỡng về phương diện ung thư thì xác định thiếu máu không do nguyên nhân này.
Sau đó, bệnh nhân được chụp chiếu toàn thân thì phát hiện một khối u khổng lồ của tuyến ức, nằm ở trung thất trước. “Đây chính là nguyên nhân mà bệnh nhân thiếu máu liên tục vì khối u này hủy hồng cầu, sản xuất một số yếu tố gây ức chế sản xuất hồng cầu”, bác sĩ Dũng nói.
Sau khi hội chẩn, các bác sĩ quyết định mổ cho bệnh nhân dù có rất nhiều yếu tố rủi ro (bệnh nhân lớn tuổi, thiếu máu, từng bị bệnh ung thư...) vì nếu không mổ sẽ ảnh hưởng đến tính mạng người phụ nữ này về lâu dài.
Theo đó, bác sĩ Dũng và kíp mổ thuộc Khoa Ung bướu đã tiến hành mở ngực đường giữa, cắt xương ức, tiếp cận khối u, cô lập các mạch máu nuôi u, bóc tách khối u có kích thước 12 x10 cm, nặng khoảng 1 kg ra khỏi thành ngực thành công.
“Các BV tuyến tỉnh rất hiếm khi phẫu thuật lồng ngực như thế này. Cái khó không nằm ở BV vì hiện nay chúng tôi đã có trang thiết bị đầy đủ, hiện đại, các bác sĩ cũng đã được đào tạo và tự tin để thực hiện ca mổ mà ở chỗ niềm tin của bệnh nhân và người nhà. Họ phải để chúng tôi thực hiện thay vì xin chuyển lên tuyến trên. Mà niềm tin ấy phải được xây dựng trong cả quá trình bằng sự cầu thị với người bệnh và niềm đam mê chuyên môn của bác sĩ", bác sĩ Dũng nói.
Bình luận (0)