Phẫu thuật điều trị động kinh kháng thuốc

13/08/2019 04:30 GMT+7

Phẫu thuật kết hợp điện não đồ bề mặt vỏ não là kỹ thuật mới cho phép điều trị động kinh kháng thuốc hiệu quả và kiểm soát tai biến do cuộc mổ.

Nguyễn Việt A. (15 tuổi, ở Phú Thọ) là một trong 8 bệnh nhân đã được điều trị động kinh kháng thuốc bằng phẫu thuật kết hợp điện não đồ bề mặt vỏ não. Đây là kỹ thuật mới được áp dụng tại Bệnh viện (BV) Nhi T.Ư (Hà Nội) trong gần 2 năm qua, sau khi được các chuyên gia đến từ Trường ĐH Alabama (Mỹ) chuyển giao công nghệ.
Năm 6 tuổi, Việt A. lên cơn sốt cao kèm co giật, được BV địa phương chuyển lên BV Nhi T.Ư điều trị với chẩn đoán viêm não. Tại BV Nhi T.Ư, sau khi thăm khám, các bác sĩ (BS) kết luận cháu mắc chứng động kinh. Trong 9 năm qua, bệnh nhân (BN) này đã điều trị động kinh ở nhiều BV, thay đổi nhiều loại thuốc nhưng bệnh ngày càng nặng, tần suất cơn co giật tăng lên. Hai năm gần đây, cháu không thể đi học được do sức khỏe yếu, có tháng lên đến 20 cơn giật do động kinh.
Theo các BS chuyên khoa thần kinh, bệnh động kinh nếu không kiểm soát được cơn co giật sẽ ảnh hưởng lớn đến sự phát triển, chất lượng sống của người bệnh do có thể gây các tai nạn sinh hoạt, chấn thương. Cơn động kinh kéo dài có thể dẫn đến tổn thương não, thậm chí tử vong.
Hôm 16.7 vừa qua, Việt A. được phẫu thuật điều trị động kinh kháng thuốc do các BS chuyên khoa ngoại thần kinh của BV Nhi T.Ư thực hiện. Ca phẫu thuật kéo dài trong 8 giờ cho kết quả tốt. BN không gặp tai biến (chảy máu trong mổ, nhiễm trùng sau mổ) và hồi tỉnh nhanh.
Vào ngày đầu tiên sau mổ, BN lên cơn giật, từ ngày thứ 2 không còn xuất hiện cơn. Một tuần sau phẫu thuật, vận động của BN phục hồi. Hiện tại, BN ổn định và được tiếp tục theo dõi.

Cô lập vùng não bị tổn thương

BS Lê Nam Thắng, Phó khoa Thần kinh - BV Nhi T.Ư, cho biết phẫu thuật điều trị động kinh là phẫu thuật chuyên khoa sâu, nhằm loại bỏ hoặc cô lập vùng não bị tổn thương (vùng sinh động kinh). Khó khăn trong phẫu thuật động kinh là phải định khu được vùng sinh động kinh để phẫu thuật cắt đi vùng đó.
Với phương pháp phẫu thuật động kinh kết hợp điện não đồ bề mặt vỏ não, BN được đặt các tấm có chứa điện cực trên bề mặt vỏ não, nhằm tiếp cận gần nhất với ổ phát sóng động kinh để ghi lại các sóng điện não, khi phát hiện bất thường về sóng điện não (sóng động kinh), các BS có thể xác định được vùng cần phẫu thuật cắt bỏ; xác định được các vùng chưa cắt còn bất thường để có can thiệp phẫu thuật phù hợp, từ đó giúp cuộc mổ có kết quả tốt nhất.
Tuy nhiên, BS Thắng cũng lưu ý, không phải trường hợp động kinh kháng thuốc nào cũng có thể phẫu thuật. Chỉ định phẫu thuật phụ thuộc một số yếu tố như: tổn thương được xác định trên não là nguyên nhân gây ra các cơn động kinh và khả năng can thiệp phẫu thuật khu vực tổn thương đó. Vị trí của tổn thương trên não gần các khu vực nhạy cảm cũng là một yếu tố quan trọng, vì nếu không kiểm soát được, BN sau phẫu thuật khỏi động kinh nhưng bị tai biến khác (liệt). Cùng với đó, tình trạng sức khỏe của BN phải cho phép thực hiện cuộc mổ.
Với trường hợp của Việt A., sau khi xác định được vùng sinh động kinh và nguyên nhân sinh động kinh là do loạn sản vỏ não, các BS đã quyết định phẫu thuật. 
Từ tháng 12.2017 đến nay, các BS ngoại thần kinh của BV Nhi T.Ư thực hiện phẫu thuật kết hợp đặt điện cực bề mặt vỏ não điều trị 8 trường hợp động kinh kháng thuốc. Kỹ thuật này cho phép các BS xác định chính xác, chi tiết vị trí của vùng sinh động kinh, tránh phải phẫu thuật diện tích mô não lớn giúp giảm tổn thương vùng lành, tiết kiệm cho BN những vùng não thực sự còn lành lặn, giảm thấp nhất các tai biến không mong muốn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.