Vàng nghĩ rồi bấm một trăm hai mươi lăm ký tự chắc tầm năm phút rưỡi mới xong. Anh chưa tập được thói quen dùng ngón tay cái nhắn tin trên smartphone, tính luôn việc đánh vật với kiểu gõ chữ có dấu trên điện thoại theo chuẩn telex. Toàn bộ bàn tay trái đỡ cái điện thoại màn hình 5 inch như bồng em bé, ngón trỏ bàn tay phải loay hoay thậm thụt trên mấy phím bấm trông rất buồn cười. Ở tuổi bốn mươi hai như anh thì việc đón nhận và học cách tiêu hóa một cách tích cực thứ tri thức số, thứ đồ dùng công nghệ mới này đã là chuyện đáng biểu dương.
“Anh lãng mạn quá, em xin chúc anh nhiều bình yên và niềm vui trong cuộc sống”. Điện thoại anh rung lên. Chắc Thương trả lời anh nhanh hơn anh rất nhiều, chẳng có gì dễ thốt ra hơn là lời lịch duyệt.
Nguyễn Mộng Vàng, tên thì ngày xưa mẹ anh đặt như thế nhưng anh không biết mình có lãng mạn hay không, mà rủi có lãng mạn thì tương lai có gì tươi đẹp hơn không. Nếu anh có cố ý mơ mộng hơn một chút trong cuộc sống thì đó chắc là một thứ men đề kháng của tâm hồn, thứ enzym sinh ra từ mất mát.
Vàng sinh ra với thân thể bình thường, ba ký tư năm chục, bác sĩ cười ra rả phét vào mông cho khóc ròng. Biến cố đến vào năm anh lên năm tuổi, sau một cơn bạo bệnh mà bố mẹ anh phải hoảng hồn gọi thầy cúng, bác sĩ bảo với bố mẹ anh là anh đã bị một tổn thương tủy sống, bàn chân phải sẽ khoèo suốt phần đời còn lại. Chai sạn hơn thuở nhỏ, giờ đây Vàng đã gần hết sợ hãi mỗi khi phải viết ra một dấu phẩy nào đó.
Tuy nhiên, gần hết thôi, chưa dứt, hạn chế thì tốt hơn. Ngày đó, đám bạn học hồn nhiên nô đùa vô cảm, những tiếng hô - thằng dấu phẩy - cứ đu theo mải miết cái dáng đi xiêu vẹo cong vòng của anh, cái chân phải dị tật của anh. Ai đứng từ xa chịu khó quan sát sẽ thấy vào những ngày mưa lạnh, trên sân trường tiểu học có một dấu phẩy nhỏ lặng lẽ trườn đi một mình, nhạt nhòe hơn cả.
Nghe thì buồn buồn, nhưng đó là những ngày dấu phẩy đã tự mình phẩy được, vẫn sáng sủa hơn khoảng thời gian trước khi Vàng tập đi một mình, hồi Vàng còn làm bạn với cây nạng nhỏ. Vàng cứng rắn, không chịu cho ai đưa rước, nhất quyết đi học một mình. Một hôm, thằng Quang sún ngồi bàn dưới chơi ác, giấu cái nạng đi, trời xẩm tối bố mẹ Vàng theo chân ông bảo vệ tìm thấy thằng bé ngồi yên một chỗ trong lớp học trống trơn, mà sao nó không khóc. Mấy ngày sau đó, bố Vàng có ý định chuyển trường cho anh, tìm một môi sinh giáo dục khác dành cho trẻ khiếm khuyết, nhưng Vàng nhất quyết không nghe, lì lợm đòi ở lại trường này. Khi Vàng biết yêu lần đầu, hoặc gần như thế, với một cô bạn tóc ngắn mà trong mắt Vàng, vô cùng khác so với phần còn lại của thế giới.
Lần đầu tiên có người an ủi Vàng, lấy đồ dùm Vàng, chửi và đuổi luôn đám nam sinh hay chọc ghẹo Vàng. Niềm tin vào cuộc sống thuở ấy như là hoa, mới rực, đẹp mà mong manh. Tình yêu đầu của Vàng bỏ đi mất trong một hôm nhợt nhạt, hai đứa đang đi dưới những tán cây già nua thì cô bé trượt ngã, òa khóc. Vàng loay hoay mãi không thể giúp cô được. Tự mình còn chênh vênh mà giúp được ai.
Từ giây phút ấy, trong Vàng đã dậy lên một ý thức rõ ràng trắng hếu về sự yếu đuối của một thân thể khiếm sót. Cô bé được một cậu trai khác đỡ dậy. Mãi mãi về sau, không biết là cậu trai đó hay một cậu trai nào khác, nhưng chắc chắn không phải Vàng, sẽ là người có thể nâng cô bé dậy mỗi khi vấp ngã. Sau này lớn lên, đọc sách, Vàng lấy viết dạ bôi lên, học thuộc một trong bốn nguyên tắc sống của người Ấn Độ: Chuyện gì đã qua, là đã qua. Ấy thế mà cái bàn chân dấu phẩy, thứ làm anh luôn chập chùng, chông chênh khi bước đi, vẫn luôn gây ra cho anh những chuyện đã qua, không qua được. Suốt thời gian dài sau đó, dù tâm lý sợ ai chọc ghẹo đã khô ran, lên mày như một vết thương lâu ngày, Vàng không dám yêu ai (nói gì đến việc mơ được ai yêu).
Dấu phẩy dùng để chấm dứt tạm thời một chuyện buồn, và mở ra sau đó một câu chuyện khác, mình muốn đó là những chuyện vui, Vàng luôn tự nói với mình mỗi ngày như thế. Anh lặng lẽ học hành một cách tích cực, đúng mực trong ứng xử với khiếm tật của mình. Bố Vàng nói thằng này trưởng thành sớm không ngờ, mẹ anh thì nói đường còn dài tôi chỉ mong nó ít rủi may. Lớn, anh chọn nghề giáo.
Chắc một phần nghề này được xã hội tôn trọng nên Vàng chọn. Anh dạy ngữ văn, kể ra thì những đổi mới trong chương trình dạy và học, theo hướng cải thiện tâm hồn bọn trẻ, mỗi ngày được đối thoại với những tâm hồn trong như suối anh cảm thấy mình trẻ trung, ít khoảng trống cho nỗi buồn hơn. Thêm nữa, bé Út, em gái duy nhất của anh lấy chồng sớm, sinh đứa cháu trai cũng thăng chức anh lên làm cậu. Cậu đi dạy về lại lu bu chơi với cháu. Anh cứ tưởng mình không cần một mẩu tình yêu nào nữa trên đời nếu không có chuyến đi cùng đoàn trường theo một chuyến thiện nguyện đến một ngôi làng ở Bảo Lộc.
Thương, cô bác sĩ xinh đẹp thuộc đoàn y tế tỉnh, kết hợp chuyến thiện nguyện làm anh say đắm ngay bởi những nét đẹp của cả một người phụ nữ, lẫn nét ân cần của một người làm ngành cứu chữa thương đau. Buổi họp mặt văn nghệ chia tay, cậu bé Nguyễn Mộng Vàng bây giờ đã thôi mặc cảm, đã hơi run run cầm micro nói được những câu lòng dạ với bà con trong làng về quá trình anh vươn lên, trở thành nhà giáo, cách một cá nhân đương cự với nghịch cảnh. Anh tự đệm và hát một bài ca trong như suối bên đồi. Ở bên hông sân khấu tạm, anh không biết cô bác sĩ ngồi chăm chú lắng nghe. Đêm đó, cũng ở trên bục sân khấu tạm, hai người ngồi trò chuyện từ sao mọc đến sao tan. Cô ngồi nghe toàn bộ những nỗi niềm mà có lẽ anh từng nghĩ
ở thời đại này sẽ không có ai rảnh rỗi đến nghe. Mái tóc đen dày cuộn vào chiếc khoen tai bập bềnh mỗi khi gió về của Thương làm anh tạm quên đi dấu phẩy của đời anh. Những dấu phẩy có khi đơn thuần chỉ là để liệt kê những buồn sầu. Đã lâu lắm rồi, anh muốn một dấu chấm khép lại những buồn sầu.
Ba tháng xa Bảo Lộc cũng là khoảng thời gian anh viết nhiều tình thư nhất đời mình. Anh dùng những tin nhắn sms 160 ký tự để mang cho cô những bầu trời nắng đổ, những công viên ngập lá, những ngày mưa êm ái đôi vai, những khoảng không gian hà khắc ngăn cách tình anh. Anh thỉnh thoảng còn hát một mình trong phòng giáo viên, khi ngồi chấm bài khiến các thầy cô khác phải cười ghen tỵ. Thật ra, anh hiểu được rằng anh đang yêu, ai đó nói cuộc sống chả có gì đáng kể ngoài tình yêu, anh đồng cảm. Anh được dịp tha vay một hình bóng để trút vào mộng tưởng. Rốt cuộc thì tình yêu chẳng cho ai đứng ngoài cổng mãi đâu.
“Mai em có việc ghé thành phố của anh. Mình gặp ở quán Mùa Thu, gần trường anh dạy nhé”. Điện thoại đổ chuông khi anh đang cảm mạo. Anh ngoài nóng, trong lạnh, tận tim thì ấm áp. Anh trả lời ngay là mai anh trống tiết nhưng cả mùa thu của anh sẽ đến sớm đợi cô. Anh dành cả chiều giặt ủi thẳng thớm bộ áo sơ mi đẹp, phủi bụi xịt thử chai nước hoa học trò tặng lâu không dùng. Anh ra tiệm cắt tóc, dọn giúp tôi một kiểu trẻ trung.
Thương đến, mang theo đầy đủ kỷ niệm vùng cao. Thương nói anh viết thư hay quá, nếu em có thời gian sẽ chép tay lại toàn bộ tin nhắn của anh gửi nhà xuất bản in thành sách. Rồi đặt lên bàn một bao thư hồng nói em về đây để gặp anh và một số bạn bè, báo hỷ đám cưới của em. Bọn em sẽ cưới ở quê em, anh và anh ấy cùng quê, thanh mai trúc mã từ nhỏ đến lớn. Em rất buồn và day dứt khi không nói với anh vào ngày chúng mình đi công tác thiện nguyện đó. Vì thế giới của anh quá đẹp, sự mơ mộng của anh khiến gỗ đá lung lay, em cũng đâu phải là gỗ đá. Nhưng, anh biết đó, có những khó khăn và có những cái cớ mạnh hơn khiến chúng ta phải đưa ra lựa chọn, và xin anh cho em ích kỷ, ít nhất là khoảnh khắc này.
Thằng bé Nguyễn Mộng Vàng trở lại thăm anh, nó kể, ngày xưa, có cô bé từng vấp ngã và Vàng không nâng dậy được vì Vàng là dấu phẩy nhợt nhòa. Đêm đó, anh và thằng bé Nguyễn Mộng Vàng mơ rất dài, về những dấu phẩy và những dấu lặng vàng vọt đèn đường.
Sáng hôm sau, anh thấy nhám nhám miếng chườm hạ sốt và bàn tay mẹ áp lên. Anh mở mắt, mỉm cười nhìn ra vườn, mùa thu đến, đóng cửa hay không vẫn thấy mùi của nhớ.
Bình luận (0)