Hôm 8.12, phe đối lập do nhóm Hayat Tahrir al-Sham (HTS) dẫn đầu đã chiếm thủ đô Damascus của Syria trong một cuộc tấn công chớp nhoáng, lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad.
"Bộ tư lệnh chung đã giao cho chúng tôi nhiệm vụ điều hành chính phủ chuyển tiếp cho đến ngày 1.3", theo tuyên bố được cho là của ông al-Bashir trên tài khoản Telegram của đài truyền hình nhà nước Syria. Trong tuyên bố, ông al-Bashir tự nhận là "thủ tướng Syria mới", theo AFP.
Vì sao chế độ al-Assad ở Syria bị lật đổ quá chóng vánh?
Trước khi được chọn giữ vai trò mới, ông al-Bashir từng là người đứng đầu "Chính phủ Cứu tế" của phe đối lập ở tây bắc Syria và trước đó giữ chức "bộ trưởng phát triển".
Chính phủ Cứu tế, với các bộ, sở, cơ quan tư pháp và an ninh riêng, được thành lập tại thành trì Idlib vào năm 2017 để hỗ trợ người dân ở khu vực do phe đối lập chiếm giữ, những người bị cắt đứt khỏi các dịch vụ của chính phủ tại Damascus.
Kể từ đó, Chính phủ Cứu tế đã bắt đầu triển khai hỗ trợ tại Aleppo, thành phố lớn đầu tiên rời khỏi tay chính quyền al-Assad sau khi phe đối lập bắt đầu cuộc tấn công.
Lời cảnh báo của Israel
Trong khi đó, ông Israel Katz, Bộ trưởng Quốc phòng Israel, ngày 10.12 cảnh báo những nhà lãnh đạo mới của Syria không nên đi theo con đường của Tổng thống bị lật đổ Bashar al-Assad.
Ông Katz cũng xác nhận quân đội Israel đã tấn công một số tàu hải quân Syria trong các cuộc không kích trong đêm 9.12 và rạng sáng 10.12, theo AFP.
Bộ trưởng Katz cho biết thêm ông đã cùng với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu chỉ đạo quân đội tạo ra một khu vực phi quân sự ở miền nam Syria nhằm "ngăn chặn việc thành lập và tổ chức khủng bố ở Syria".
Trong khi đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 10.12 tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không để Syria bị chia cắt lần nữa và sẽ hành động chống lại bất kỳ bên nào tìm cách xâm phạm lãnh thổ Syria.
"Từ giờ trở đi, chúng tôi không thể để Syria bị chia cắt nữa... Bất kỳ cuộc tấn công nào chống lại quyền tự do của người dân Syria, sự ổn định của chính quyền mới và toàn vẹn lãnh thổ của họ sẽ buộc chúng tôi phải phản kháng", ông Erdogan nhấn mạnh.
Israel dồn dập phá hủy vũ khí, điều quân vào Syria, Mỹ không phản đối
Trước đó, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đã lên án Israel sau khi lực lượng Israel tiến vào vùng đệm do Liên Hiện Quốc tuần tra trên Cao nguyên Golan sau khi ông al-Assad bị lật đổ, đồng thời nhắc lại sự ủng hộ của Ankara đối với "toàn vẹn lãnh thổ" của Syria.
Cao nguyên Golan là một cao nguyên miền núi ở rìa phía tây nam của Syria, phần lớn đã bị Israel chiếm giữ trong Chiến tranh 6 ngày năm 1967 và sau đó bị sáp nhập.
Cao nguyên Golan được tách biệt với phía Syria bằng một vùng đệm do Liên Hiệp Quốc tuần tra nói trên. Ngoại trưởng Israel Gideon Saar cho biết việc chiếm giữ vùng đệm là "bước đi hạn chế và tạm thời" vì "lý do an ninh".
Bình luận (0)