Theo đó, quy mô lập quy hoạch rộng 480,5 ha. Trong đó, khu vực đất có di tích gốc (rộng 85,6 ha) được thực hiện quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích theo quy định của luật Di sản văn hóa. Khu vực đất ở rộng 81 ha, nằm phân tán trong khu vực lập quy hoạch, là làng xã truyền thống được chuyển đổi sang mô hình làng nghề, các khu dân cư hiện trạng khoanh vùng để lại. Ngoài ra, đồ án quy hoạch còn có đất công viên văn hóa, đất công trình hạ tầng kỹ thuật…
Theo các tư liệu lịch sử, tại vị trí thành Hoàng Đế trước kia là thành Đồ Bàn (kinh thành Vijaya của Vương triều Champa từ thế kỷ 11 - 15). Năm 1776, Nguyễn Nhạc dựng đại bản doanh nghĩa quân Tây Sơn tại vị trí thành Đồ Bàn cũ và sau đó xây thành Hoàng Đế làm kinh đô của nhà Tây Sơn. Kết quả khai quật gần đây xác định thành Hoàng Đế nguyên là một tổng thể kiến trúc hình chữ nhật, gồm ba vòng thành: thành Ngoại (chu vi 7.400 m), thành Nội (chu vi 1.600 m) và Tử cấm thành (chu vi 600 m).
Theo ông Lâm Hải Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, việc quy hoạch xây dựng khu vực xung quanh các di tích gốc thành Hoàng Đế nhằm hướng tới phát huy các giá trị di tích, phát triển khu vực xung quanh các di tích gốc… để tạo nên động lực phát triển cho khu vực.
Bình luận (0)