Phê duyệt giá tạm cho 3.181 MW điện tái tạo, mới có hơn 950 MW lên lưới

12/08/2023 11:47 GMT+7

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cập nhật đến ngày 11.8, có 18 nhà máy/phần nhà máy năng lượng tái tạo chuyển tiếp với tổng công suất 952,12 MW đã hoàn thành thủ tục COD (thử nghiệm sau khi hòa lưới và công nhận ngày vận hành thương mại), phát điện thương mại lên lưới.

Trong 85 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp, có 79 dự án với tổng công suất 4.449,86 MW gửi hồ sơ cho Công ty Mua bán điện của EVN để đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện. Trong đó có 67 dự án (tổng công suất 3.849,41 MW) đề nghị giá tạm bằng 50% giá trần của khung giá (theo Quyết định số 21 của Bộ Công thương).

EVN cho biết, đến nay, tập đoàn các chủ đầu tư đã hoàn thành đàm phán giá và ký tắt hợp đồng mua bán điện (PPA) với 59/67 dự án. Trong đó, Bộ Công thương cũng đã phê duyệt giá tạm cho 58 dự án với tổng công suất 3.181,41 MW.

Phê duyệt giá tạm cho 3.181 MW điện tái tạo, mới có hơn 950 MW lên lưới - Ảnh 1.

Quy hoạch điện 8 nêu rõ tiềm năng điện mặt trời của Việt Nam khoảng 963.000 MW

VŨ HÂN

Như vậy, sản lượng điện đã được phê giá tạm hiện ở mức khá cao, trên 3.181 MW, song lượng điện phát chính thức lên lưới đến nay theo ghi nhận mới có 18 dự án với hơn 952 MW.

Sản lượng điện phát lũy kế của các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp tính từ thời điểm COD đến ngày 10.8 đạt khoảng 268 triệu kWh. Trong đó, sản lượng điện phát trung bình ngày chiếm khoảng 0,4% tổng sản lượng nguồn điện được huy động.

Ngoài ra, cập nhật cho thấy, trong số 85 dự án này, có 22 dự án đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền nghiệm thu công trình/một phần công trình; 29 dự án đã được cấp giấy phép hoạt động điện lực toàn nhà máy/một phần nhà máy; 38 dự án đã có quyết định gia hạn chủ trương đầu tư.

Tuy vậy, hiện vẫn còn 6 dự án với tổng công suất 284,70 MW chưa gửi hồ sơ đàm phán.

Trước đó, liên quan đến 14 dự án điện mặt trời đã được áp giá FIT ưu đãi không đúng mà Bộ Công thương yêu cầu EVN rà soát lại, đề xuất giải pháp, tại kết luận thanh tra số 1027 của Thanh tra Chính phủ, có nội dung về việc tham mưu ban hành Quyết định 13/2020 cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam.

Theo kết luận này, mặc dù đối tượng được áp dụng giá 9,35 cent/kWh nêu tại Nghị quyết 115 là các dự án điện mặt trời với công suất thiết kế là 2.000 MW, đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận triển khai cũng chính là dự án đã được Thủ tướng Chính phủ có quyết định hoặc văn bản chấp thuận quy hoạch. Thế nhưng, Bộ Công thương đã tham mưu trong quyết định 13/2020, mở đối tượng áp dụng giá FIT là "các dự án đã có trong quy hoạch phát triển điện lực các cấp", trái với nội dung Nghị quyết 115 và kết luận của Chính phủ tại Thông báo 402.

Từ đó, dẫn đến 14 dự án được áp dụng giá FIT 9,35 cent/kWh không đúng đối tượng tại Nghị quyết 115. Nên từ năm 2020 đến 30.6.2022, EVN phải thanh toán tăng khoảng 1.481 tỉ đồng (số tạm tính) so với việc thanh toán theo đúng đối tượng tại Nghị quyết 115.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.