Phê duyệt Quy hoạch điện 8 trong tháng 4.2022: Bỏ hạt nhân, thêm điện sóng biển

09/04/2022 14:00 GMT+7

Đó là nội dung trong thông báo mới đây về kết luận của Thường trực Chính phủ về Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện 8).

Theo Thường trực Chính phủ, Quy hoạch điện 8 là quy hoạch ngành quốc gia rất quan trọng, cần phải sớm hoàn thành để làm cơ sở triển khai đầu tư xây dựng đồng bộ nguồn và lưới điện, bảo đảm vững chắc về an ninh cung ứng điện, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, góp phần giữ vững quốc phòng an ninh của đất nước. Quy hoạch khó, bởi được triển khai trong bối cảnh chuyển đổi năng lượng xanh, sạch diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu sau Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) và Việt Nam có cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050.

Quy hoạch điện 8 chưa đưa vào điện hạt nhân và bổ sung điện sóng biển

NG.NG

Thế nên, Chính phủ giao Bộ Công thương nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến để hoàn thiện Quy hoạch điện 8, bám sát các yêu cầu theo các nghị quyết, kết luận có liên quan của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và cam kết quốc tế của Việt Nam. Đặc biệt, thông báo của Văn phòng Chính phủ nhấn mạnh quan điểm xây dựng phải hướng tới phát triển nền kinh tế độc lập tự chủ, đặc biệt là nâng cao tính tự chủ của ngành năng lượng, giảm thiểu tối đa sự phụ thuộc vào nước ngoài. Việc này liên quan trực tiếp đến quan điểm khai thác tối đa và hợp lý nguồn tài nguyên năng lượng sơ cấp trong nước cho sản xuất điện như nguồn khí tự nhiên, năng lượng gió, mặt trời, sóng biển…; đồng thời, cân đối sử dụng nguồn LNG nhập khẩu hợp lý. Ngoài ra, Chính phủ yêu cầu chưa đưa chủ trương phát triển điện hạt nhân vào tính toán cân đối trong Quy hoạch điện 8.

Cần phân tích kỹ hiện trạng các nguồn năng lượng từ rẻ nhất đến đắt nhất và nghiên cứu xu thế trong thời gian tới. Xác định ưu tiên phát triển nguồn năng lượng nào trong từng thời kỳ quy hoạch để có hiệu quả kinh tế chung tốt nhất, gắn với việc bảo đảm an toàn, ổn định của hệ thống điện vùng, miền, quốc gia. Trên cơ sở đó, đề xuất xây dựng các cơ chế chính sách phù hợp để tổ chức thực hiện.

Đối với các dự án điện mặt trời đã có trong Quy hoạch điện 7 điều chỉnh mà chưa triển khai thì đưa ra tiêu chí, điều kiện về giá mua điện, hiệu quả kinh tế, ổn định hệ thống điện quốc gia, cân đối vùng, miền để cân nhắc kỹ lưỡng thận trọng, báo cáo Thường trực Chính phủ xem xét quyết định, nhưng phải bảo đảm thống nhất với các tiêu chí, nguyên tắc quy hoạch của giai đoạn mới và hiệu quả, khả thi. Rà soát kỹ lưỡng để nghiên cứu chuyển phần công suất điện mặt trời đã có trong Quy hoạch điện 7 điều chỉnh nhưng chưa thực hiện và không đáp ứng mục tiêu hiệu quả kinh tế, nhất là giá mua điện để xem xét điều chỉnh quy hoạch.

Đối với điện mặt trời mái nhà đã được đầu tư nếu đúng quy định, đúng mục đích, không lợi dụng cơ chế để trục lợi thì tính toán cân đối cho tiêu dùng điện (không đưa phần công suất 7.755 MW điện mặt trời mái nhà vào phần số liệu tổng công suất nguồn điện trong quy hoạch). Giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Tập đoàn Điện lực Việt Nam chịu trách nhiệm rà soát, kiểm tra lại việc này, cương quyết không hợp thức hóa cái sai và báo cáo Thường trực Chính phủ.

Thường trực Chính phủ giao Phó thủ tướng Lê Văn Thành khẩn trương chỉ đạo Bộ Công thương hoàn thiện Quy hoạch điện 8 để sớm tổ chức hội nghị với các địa phương về nội dung này và triển khai các thủ tục tiếp theo theo quy định, hoàn thành phê duyệt Quy hoạch trong tháng 4.2022.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.