Phế phẩm xuất khẩu tỉ USD

05/10/2022 06:27 GMT+7

Phải đến khi xuất khẩu viên nén gỗ bật sáng, mang về xấp xỉ 700 triệu USD trong năm nay thì nhiều người mới nhận ra rằng VN đã lãng phí hàng tỉ USD/năm từ phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp.

Bất ngờ viên nén gỗ

Trong vòng vài năm gần đây, sản phẩm viên nén gỗ âm thầm vươn lên trở thành mặt hàng xuất khẩu quan trọng của ngành gỗ. Nếu như năm 2017, giá trị kim ngạch xuất khẩu viên nén gỗ chỉ đạt khoảng 145 triệu USD thì đến năm 2021 lượng viên nén xuất khẩu đạt 3,5 triệu tấn với kim ngạch hơn 413 triệu USD. Trong 6 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu viên nén gỗ đạt gần 2,4 triệu tấn với kim ngạch 354 triệu USD. Nếu tốc độ tăng trưởng được duy trì như hiện nay, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này trong cả năm 2022 có thể đạt trên dưới 700 triệu USD. Trong tương lai, viên nén gỗ có tiềm năng lọt vào nhóm các mặt hàng nông lâm sản có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD. VN đã vươn lên trở thành nước xuất khẩu viên nén gỗ lớn thứ 2 trên thế giới.

Viên nén từ phế phẩm sản xuất đồ gỗ đang mang lại giá trị xuất khẩu gần 1 tỉ USD

Q.T

Đáng nói, theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản VN (Viforest), nguồn nguyên liệu cho viên nén chủ yếu là gỗ nhỏ, cành ngọn, đầu mẩu gỗ vụn. Đây là những phụ phẩm từ các xưởng xẻ gỗ, ván bóc, xưởng dăm (đối với các nguồn dăm không đủ tiêu chuẩn làm dăm gỗ). Nguồn phế - phụ phẩm này có nhiều ở khu vực phía bắc, nơi có nhiều hệ thống xưởng xẻ, xưởng ván bóc, xưởng dăm… Các công ty sản xuất, xuất khẩu viên nén từ nguồn nguyên liệu rừng trồng trong nước chiếm trên 90% tổng lượng cung nguyên liệu viên nén. Các xưởng xẻ và nhà máy chế biến đồ gỗ ở khu vực Đông Nam bộ sử dụng phụ phẩm từ gỗ nhập khẩu khoảng 10%. Việc tận dụng phụ phẩm để làm viên nén giúp các xưởng gỗ tăng thu nhập, bù đắp vào giá nhập khẩu nguyên liệu tăng cao. Hiện cả nước có khoảng 300 cơ sở sản xuất viên nén và 100% xuất khẩu sang Nhật Bản và Hàn Quốc.

Nếu áp dụng thuế xuất khẩu viên nén không những có thể gây lãng phí đối với nguồn nguyên liệu này mà còn trực tiếp tác động tiêu cực tới các bên tham gia chuỗi, bao gồm các hộ trồng rừng, các cơ sở xẻ - bóc gỗ và các cơ sở sản xuất đồ gỗ. Vì vậy, Viforest kiến nghị Chính phủ không nên áp thuế xuất khẩu viên nén gỗ.

Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Viforest

Đặc biệt, giá xuất khẩu viên nén gỗ đã tăng rất mạnh trong nửa đầu năm nay, vọt lên bình quân gần 150 USD/tấn, tương đương tăng hơn 27% so với mức giá bình quân năm 2021.

TS Tô Xuân Phúc, một chuyên gia lâm nghiệp, nhận định: Lượng và giá viên nén gỗ xuất khẩu tăng mạnh trong thời gian vừa qua chủ yếu là do nhu cầu sử dụng tại các nước EU tăng đột biến. Là doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu viên nén gỗ sang thị trường Hàn Quốc, ông Nguyễn Ba Duy, Phó giám đốc Công ty CP Smart Wood VN, chia sẻ: “Doanh nghiệp VN hiện chỉ khai thác thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc. Với thị trường EU, tiềm năng lớn nhưng để đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu sang đây còn nhiều khó khăn. Hầu hết doanh nghiệp VN đều đang nỗ lực đáp ứng được các tiêu chuẩn để xuất khẩu được sang thị trường này”.

Bên cạnh viên nén gỗ, đại diện Viện Nghiên cứu công nghiệp rừng cho biết phế phẩm, phụ phẩm trong quá trình chế biến đồ gỗ có thể được sử dụng để “biến” thành những vật liệu khác có giá trị kinh tế cao. Ví dụ, sử dụng nấm mục để sản xuất bio-composite từ dăm gỗ, rơm và rạ; nghiên cứu công nghệ sản xuất composite trên nền nhựa ABS với cốt từ rơm rạ, trấu làm vật liệu xây dựng sử dụng ngoài trời; nghiên cứu sử dụng phế liệu chế biến gỗ làm than biomass phục vụ đời sống và sản xuất; nghiên cứu thăm dò khả năng sử dụng mùn cưa tre để tạo cốt cho một số khay, đĩa sơn mài bằng công nghệ ép định hình; nghiên cứu công nghệ sản xuất ván sàn composite gỗ nhựa bằng phế - phụ phẩm sau chế biến gỗ kết hợp với rác thải nhựa HDPE... Trong đó, sản phẩm bio-composite có tính đột phá trong việc ứng dụng công nghệ sinh học trong chế biến gỗ. Ván dăm sinh học được sử dụng làm vách ngăn cách âm, cách nhiệt thông thường trong điều kiện khô, không đòi hỏi những yêu cầu đặc biệt. Ván không chứa hóa chất độc hại sẽ đáp ứng được yêu cầu sử dụng vật liệu xanh phục vụ đời sống con người.

Nhu cầu lớn, cơ hội lớn

Cơ hội mở ra rất lớn với xuất khẩu viên nén gỗ của VN khi các nước EU đang chuyển từ việc sử dụng khí gas nhập khẩu từ Nga sang sử dụng nguồn nhiên liệu thay thế khác, bao gồm cả viên nén gỗ. Chính phủ Hàn Quốc và Nhật Bản cũng tiếp tục thực hiện việc chuyển đổi từ nguồn điện than sang điện sạch, trong đó có điện sinh khối và viên nén gỗ. Bên cạnh đó, Chính phủ Trung Quốc cũng đang có những động thái chuyển một phần nguồn điện và hệ thống sưởi bằng than đá sang viên nén. Có thể thấy nhu cầu về phế liệu tưởng chừng như bỏ đi này là rất lớn.

Theo Viforest, nguyên liệu sản xuất viên nén là những thứ gần như bỏ đi trong quá trình chế biến sản phẩm gỗ. Tuy nhiên có thể thấy các loại phế phẩm này lại có thể tận dụng được để hái ra tiền. Thế nhưng ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Viforest, lại tỏ ra lo ngại trước việc Chính phủ đang cân nhắc khả năng áp thuế xuất khẩu đối với mặt hàng viên nén. Mức thuế mà cơ quan tư vấn thuế đưa ra là 5% hoặc 10%, với lý do viên nén sử dụng nguồn gỗ nguyên liệu rừng trồng đầu vào và không qua chế biến sâu nên hạn chế xuất khẩu, nhằm giữ lại nguyên liệu trong nước. “Nếu áp dụng thuế xuất khẩu viên nén không những có thể gây lãng phí đối với nguồn nguyên liệu này mà còn trực tiếp tác động tiêu cực tới các bên tham gia chuỗi, bao gồm các hộ trồng rừng, các cơ sở xẻ - bóc gỗ và các cơ sở sản xuất đồ gỗ. Vì vậy, Viforest kiến nghị Chính phủ không nên áp thuế xuất khẩu viên nén gỗ”, ông Lập khuyến nghị.

Trong bản góp ý mới nhất về chính sách thuế, Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) cũng đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc phương án điều chỉnh thuế suất xuất khẩu đối với viên nén gỗ và viên than gỗ về mức 2% hoặc 0%. Theo VCCI, mặt hàng viên than gỗ hiện có thuế suất xuất khẩu 10%, được sản xuất từ mặt hàng viên nén gỗ, hiện có thuế suất xuất khẩu 0%. Các mức thuế suất như vậy là bất hợp lý vì thuế suất xuất khẩu của thành phẩm cao hơn thuế suất của nguyên liệu sẽ không khuyến khích được quá trình sản xuất trong nước. Do đó, việc sửa đổi thuế suất của cả hai mặt hàng này nên đưa về cùng một mức là hợp lý. Còn dự thảo đưa ra hai phương án thuế suất của cả hai mặt hàng này sẽ cùng là 5% hoặc 10%, tuy nhiên cả hai phương án này đều chưa tính đến mối tương quan với mặt hàng dăm gỗ và vỏ bào. Các doanh nghiệp phản ánh mặt hàng viên gỗ nén được sản xuất bằng cách nén chặt dăm gỗ, vỏ bào, mùn cưa, phế liệu gỗ… Trong khi đó, thuế suất xuất khẩu của mặt hàng dăm gỗ hiện nay là 2% và vỏ bào là 0% mà áp viên nén 5 - 10% là bất hợp lý.

Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) đánh giá giá xuất khẩu viên nén (viên năng lượng sinh khối), dăm gỗ năm 2022 đã tăng 150 - 200% so với năm trước. Riêng mặt hàng viên nén gỗ đang chiếm gần 3% tổng giá trị xuất khẩu của ngành gỗ. Thị trường viên nén gỗ toàn cầu dự kiến ​​đạt 15,63 tỉ USD vào năm 2026, với tốc độ tăng trưởng gộp hằng năm 7,28% trong giai đoạn 2021 - 2026. Do đó, sản phẩm viên nén gỗ VN còn nhiều cơ hội tăng trưởng. Nếu áp dụng thuế suất xuất khẩu 5% hoặc 10% sẽ gây tác động bất lợi cho sản xuất trong nước.

Viện Nghiên cứu công nghiệp rừng cho rằng cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền giới thiệu mô hình tận dụng phế phẩm nông nghiệp hiệu quả, hướng dẫn nông dân áp dụng. Trong đó chú trọng triển khai, nhân rộng các mô hình sản xuất sử dụng phế phẩm nông, lâm nghiệp; khuyến khích sử dụng phụ phẩm chế biến gỗ tạo các vật liệu mới, có giá trị gia tăng cao nhằm cải thiện ô nhiễm môi trường.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.