Phép dưỡng sinh trong mùa xuân

25/01/2020 09:26 GMT+7

Thời tiết mỗi mùa khác nhau. Theo y học cổ truyền , mùa xuân khí trời ấm áp, dương khí con người thăng phát.

Y học cổ truyền quan niệm rằng dưỡng sinh của con người cần tuân theo thời lịch của trời đất. Trong việc ăn uống phải có tiết độ, làm việc phải biết nghỉ ngơi có chừng mực, thức - ngủ có giờ giấc... Tuy nhiên, con người không chỉ ăn uống có tiết độ về lượng ăn, thời gian..., mà cần biết ăn uống phù hợp với nhu cầu bản thân, phải thích hợp với khí hàn (lạnh), nhiệt (nóng) của thời tiết...
Theo lương y Như Tá (hội viên Hội Đông y TP.HCM), 3 tháng mùa xuân, chúng ta nên ngủ dậy sớm, đi bộ (có thể quanh sân nhà); cần suy nghĩ hiền hòa, chí không động, tâm không biến; đối xử với nhau nên... thưởng hơn là... phạt. Nếu chúng ta làm trái những điều đó là làm trái với phép dưỡng sinh, khi đó tà khí bên ngoài gồm khí hậu và món ăn uống không phù hợp dễ gây bệnh cho các tạng phủ bên trong cơ thể.
Đầu xuân dương khí lạnh, các món ăn nên dùng cần có vị cay ấm sẽ tán được biểu tà (ngoại cảm phong hàn). Thời điểm này, không nên ăn nhiều món chứa nhiều chất béo, dùng quá nhiều cao lương mỹ vị, dễ làm thương tổn tỳ vị. Áo mặc cần đủ ấm để không ảnh hưởng đến dương khí.
Theo lương y Như Tá, sắn dây là loại cây rất quen thuộc, dân gian thường dùng sử dụng cho mát, với những bộ phận: củ (y học cổ truyền gọi là cát căn), hoa (cát hoa), dây (cát căn đằng), bột từ củ sắn dây (cát phấn)...
Theo y học cổ truyền, củ sắn dây có vị ngọt, mát, tính bình, đi vào kinh tỳ vị..., có tác dụng thanh nhiệt... Củ sắn cạo sạch vỏ ngoài, rửa sạch, thái mỏng (theo chiều dọc), phơi khô dùng làm thuốc. Dăm bảy ngày tết cổ truyền, chúng ta dùng quá nhiều món ăn dễ gây chướng bụng khó tiêu. Có thể dùng một ít củ sắn dây đem nướng vàng rồi nấu nước uống trị chứng này rất hay.
Một loại cây củ thực phẩm khác thường có sẵn trong nhà là gừng. Gừng vừa có tính ấm, làm ấm bụng, vừa hợp thời tiết mùa xuân, vừa trị được "cái bụng" dễ bị trục trặc do những ngày tết dạ dày bị "nạp" quá nhiều món. Nếu đầy bụng khó tiêu, có thể dùng cách đơn giản là rửa sạch củ gừng, xắt lát, chấm với tí muối dùng sẽ rất hiệu quả. Hoặc trường hợp dùng nhiều món ăn trong ngày, có cả món chín, món sống, món nóng, món lạnh gây rối loạn tiêu hóa, nôn ói, có thể nướng củ gừng (hoặc nấu nước) để dùng cũng rất hiệu quả. Ngày tết cổ truyền, các gia đình có sẵn mứt gừng rim, dùng trong ngày vừa thơm ngon còn giúp ấm bụng, phòng và trị rối loạn tiêu hóa. Đầu xuân tiết trời lạnh, gừng còn giúp làm ấm phổi, trị các chứng ho do cảm lạnh - bằng cách dùng gừng nấu nước uống trong ngày.
Những ngày tết cổ truyền, chúng ta đi lại ngoài trời nhiều (du lịch, thăm viếng...) cũng dễ bị cảm mạo bởi thời tiết. Có thể dùng loại thực phẩm dễ tìm, rẻ tiền là lá tía tô để giải cảm. Dùng một ít lá tía tô rửa sạch. Nấu cháo loãng, khi cháo chín tới gia vào lá tía tô cùng ít tiêu, hành, gia vị vừa dùng, khuấy đều. Dùng lúc cháo còn nóng ấm giải cảm rất hay.
Một số người dăm bảy ngày tết hay bị bón do dùng nhiều món nhiệt (nóng), chất kích thích (bia, rượu), có thể dùng loại quả quen thuộc hay có ở các gia đình là cà chua để chữa. Cà chua có vị ngọt, tính mát, giúp tiêu hóa tốt. Để trị táo bón, dùng cà chua rửa sạch ép lấy nước dùng hoặc thái lát gia vào ít đường để dùng.
Ngoài "trục trặc" về tiêu hóa, những ngày tết nhiều người hay bị mất ngủ vì lo nhiều việc, vì dùng nhiều chất kích thích. Theo lương y Như Tá, ngoài những thực phẩm quen thuộc giúp dễ ngủ như tim sen, hạt sen, thân và bông artichaur... mà dân gian hay dùng, thì y học cổ truyền còn có bài thuốc dùng trư tâm (tim heo) để chữa chứng mất ngủ. Dùng một quả tim heo, làm sạch đem chưng cách thủy với các vị thuốc (có sẵn ở các nhà thuốc đông y) gồm: hoài sơn (10 gr), thiên môn (5 gr), mạch môn (5 gr), long nhãn (10 gr); dùng lúc món nóng ấm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.