Việt Nam chưa bao giờ đối mặt với đợt dịch nguy hiểm, phức tạp như đợt dịch thứ 4 lần này. Tổng số ca bệnh của đợt dịch này cho tới ngày hôm qua đã là hơn 17.500 ca, cao gấp nhiều lần 3 đợt dịch diễn ra trong suốt hơn 1 năm trước đó. Và với “kỷ lục” ngày hôm qua, sự lây lan của đợt dịch thứ 4 chắc chắn vẫn chưa dừng lại.
Sau hơn 1 năm rưỡi chống dịch, chính quyền đã có nhiều kinh nghiệm hơn với công tác chống dịch. Người dân, thay vì sự hoảng sợ với một đại dịch hoàn toàn xa lạ của hơn 1 năm trước, đã bình tĩnh hơn trước dịch bệnh. Con số hơn 1.000 ca bệnh trong 1 ngày có lẽ cũng không khiến người ta quan tâm như một ca bệnh trong cộng đồng xuất hiện vào hơn 1 năm trước.
Song, sự bình tĩnh trước đại dịch không phải là cơ sở để chủ quan, coi thường đại dịch.
Mới cách đây 2 ngày, một bệnh nhân Covid-19 đã bỏ trốn khỏi nơi điều trị và vô tư bắt xe khách từ Bắc Giang về quê nhà (Hà Giang). Trên xe có 28 người gồm cả lái xe, phụ xe và các hành khách đã phải chịu vạ lây vì hành động của bệnh nhân này.
Trước đó vài ngày, Công an tỉnh Quảng Ninh đã phải bắt giữ một cán bộ Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.Hải Dương vì làm giả giấy xét nghiệm Covid-19 để sử dụng đi qua chốt kiểm dịch bất chấp nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Sự di chuyển thiếu kiểm soát của các đối tượng nguy cơ chính là nguyên nhân khiến dịch Covid-19 với đặc tính của nó lây lan ra khắp thế giới. Không có ngoại lệ.
Thế nhưng, theo thống kê của Bộ Y tế, trong đợt dịch thứ 4, ít nhất đã có tới 7 chuỗi lây nhiễm khiến dịch lây lan tới 10 tỉnh, thành phố khác nhau trên cả nước từ các phụ xe, lái xe đường dài các tuyến.
Các tuyến xe khách đường dài, liên tỉnh với sự tiện dụng của nó, cộng thêm sự chủ quan, coi thường các biện pháp chống dịch đang trở thành lỗ hổng lớn trong “phòng tuyến chống dịch” tại nhiều địa phương nếu không được kiểm soát một cách chặt chẽ.
Vắc-xin ngừa Covid-19 đang khan hiếm, và vẫn phải chờ một thời gian nữa, mới có đủ vắc xin để tỷ lệ người dân tiêm vắc xin ngừa Covid-19 đạt đến con số miễn dịch cộng đồng. Trong lúc này, biện pháp để sống chung với dịch vẫn là: khẩu trang, rửa tay và giữ khoảng cách.
Một bệnh nhân Covid-19, còn trẻ, khỏe đã kể lại trải nghiệm trở thành F0 của mình rằng: “Phải mắc bệnh mới hiểu. Mới biết được thở tốt đến nhường nào”. Dù rất nhiều người mắc bệnh Covid-19 không có triệu chứng, nhưng không phải ngẫu nhiên, hàng triệu người trên thế giới đã chết vì đại dịch này. Và trải nghiệm “biết được thở tốt đến nhường nào” của bệnh nhân Covid-19 trẻ tuổi kia chỉ là may mắn.
Đại dịch vẫn đang ở trước mặt chúng ta. Và chắc chắn là không có phép màu nào để dịch bệnh biến mất ngoài ý thức của mỗi người dân.
Bình luận (0)