Phép thử mới đối với hiến pháp hòa bình của Nhật

06/09/2020 07:00 GMT+7

Trong 75 năm qua, Nhật Bản tự hào là quốc gia yêu chuộng hòa bình nhưng một đề xuất mới đang được chính phủ Nhật thảo luận có thể thay đổi tình trạng này.

Vào ngày 4.8, Hội đồng An ninh quốc gia (NSC) của Nhật Bản chính thức bắt đầu thảo luận đề xuất của một nhóm nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ tự do (LDP) cầm quyền là xem xét khả năng đánh chặn tên lửa ngay trong lãnh thổ kẻ thù. Khi đó, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã có lưu ý tích cực về đề xuất mới, tuyên bố rằng ông “chắc chắn sẽ đưa ra chỉ đạo mới và nhanh chóng đưa nó vào thực tiễn”, theo tờ Mainichi. NSC dự kiến chốt lại các chính sách quốc phòng mới của Nhật vào trước cuối tháng 9.

Nhằm ứng phó Trung Quốc?

Đề xuất mới được đưa ra nằm trong nỗ lực tăng cường khả năng phòng thủ tên lửa của Nhật sau khi Tokyo hồi tháng 6 hủy bỏ kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis Ashore. Giải thích lý do đưa ra đề xuất mới, nhóm nghị sĩ LDP, do cựu Bộ trưởng Quốc phòng Itsunori Onodera dẫn đầu, nói rằng với sự cải tiến về công nghệ tên lửa đạn đạo của CHDCND Triều Tiên cũng như khả năng phát triển vũ khí bội siêu thanh của Trung Quốc và Nga, chỉ dùng hệ thống tên lửa SM-3 và PAC-3 để đánh chặn là không đủ.

Hệ thống tên lửa đánh chặn PAC-3 của Nhật

Reuters

Do đó, ngoài những hệ thống tên lửa đánh chặn này, Nhật cũng cần sở hữu khả năng tấn công để đối phó các cuộc tấn công từ kẻ thù. Ông Onodera nhấn mạnh khi công nghệ tên lửa cải tiến và nếu việc bảo vệ đất nước là tất yếu thì cần phải đánh chặn tên lửa ngay bên trong lãnh thổ hoặc không phận của đối phương.
Khả năng tấn công tên lửa ngay lúc ở bệ phóng sẽ dễ hơn so với việc đánh chặn đầu đạn đang bay với tốc độ lớn hơn vận tốc âm thanh nhiều lần, theo Reuters. Việc tìm ra các bệ phóng di động để tấn công đòi hỏi có sự giám sát chặt chẽ bằng những vệ tinh mà Nhật hiện chưa có. Điều này đồng nghĩa Nhật phải dựa vào Mỹ. Một quan chức Nhật tiết lộ Bộ Quốc phòng nước này có thể đưa ra quyết định về việc mua các thiết bị liên quan vào trước cuối năm nay, theo Reuters.

Nhật Bản có thể mua vũ khí tầm xa

Tranh cãi

Đề xuất trên nhấn mạnh khả năng đánh chặn tên lửa ở lãnh thổ kẻ thù phù hợp với luật pháp quốc tế và vẫn nằm trong phạm vi hiến pháp hòa bình của Nhật. Trong khi đó, Điều 9 của Hiến pháp Nhật quy định Nhật từ bỏ quyền phát động chiến tranh và không được duy trì hải, lục, không quân và nỗ lực của Thủ tướng Abe sửa đổi điều khoản này trong nhiều năm qua đã gặp sự đối mạnh mẽ. Đảng Komeito, đốt tác liên minh của LDP, mới đây đã tỏ dấu hiệu sẽ không ủng hộ đề xuất sở hữu tên lửa tầm xa để có thể tấn công căn cứ tên lửa của đối phương, theo tờ The New York Times
Việc thảo luận về tên lửa tầm xa ở Nhật có từ năm 1956, khi chính quyền Tokyo khẳng định nước này có quyền hợp pháp phóng tên lửa vào đất nước thù địch để ngăn chặn một cuộc tấn công nhắm vào lãnh thổ Nhật, theo tờ The New York Times. Thủ tướng Nhật khi đó Ichiro Hatoyama nhấn mạnh: “Tôi không nghĩ Hiến pháp đồng nghĩa chúng ta chỉ ngồi và chờ chết”. Đến năm 2003, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Shigeru Ishiba mô tả chi tiết điều kiện Nhật có thể phóng tên lửa hướng về nước khác: Nếu tên lửa của kẻ thù được nạp nhiên liệu, được đưa lên bệ phóng và ý định tấn công Nhật rõ ràng. 
Trong khi đó, Giám đốc chương trình nghiên cứu quốc tế và chiến lược Narushige Michishita thuộc Viện nghiên cứu chính sách quốc gia ở Tokyo cho rằng với các nguy cơ xung quanh Nhật ngày càng tăng, như Triều Tiên mở rộng kho vũ khí hạt nhân và Trung Quốc vẫn phô diễn sức mạnh quân sự giữa đại dịch Covid-19, việc Nhật xem xét tăng cường khả năng phòng thủ là điều hiển nhiên. Ngoài ra, theo một cuộc khảo sát do Đài NHK tiến hành mới đây, phân nửa số người được hỏi cho rằng Nhật nên sở hữu những vũ khí có khả năng ngăn chặn các cuộc tấn công bằng tên lửa trước khi tên lửa được phóng từ lãnh thổ của kẻ thù.

[VIDEO] Nhật Bản lên án Triều Tiên thử tên lửa đe dọa an ninh khu vực

Do đó, đề xuất về khả năng đánh chặn tên lửa như trên được xem là phép thử mới đối với hiến pháp của Nhật sau khi Thủ tướng Abe tìm cách nới lỏng các hạn chế đối với Lực lượng phòng vệ nhằm đối phó những thách thức ngày càng gia tăng từ Trung Quốc và Triều Tiên, theo tờ The Wall Street Journal. Hồi năm 2014, chính phủ của Thủ tướng Abe đã đạt thắng lợi lớn khi thông qua cách diễn dịch hiến pháp mới, cho phép Nhật thực thi quyền phòng vệ tập thể, tức triển khai lực lượng hỗ trợ một nước đồng minh và đối tác đang bị tấn công. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.