Tạo ấn tượng ngay khi xuất hiện tại trường quay của Trạm yêu thương với nụ cười cùng khuôn mặt xinh xắn và giọng nói dễ thương, chị Trần Thị Thuần nhận mình là người phụ nữ hạnh phúc, bởi dù cuộc sống có nhiều khó khăn, chị vẫn lạc quan đón nhận nó với nụ cười luôn thường trực trên môi.
Sinh ra vốn lành lặn như bao đứa trẻ khác, cho đến khi 10 tháng tuổi, biến cố đã ập đến. Bị liệt bên chân trái từ lúc 10 tháng tuổi sau một trận sốt cao, gia cảnh nghèo khó, bản thân bị khuyết tật, không ít lần chị Thuần rơi vào tự ti mặc cảm bởi những lời trêu chọc của bạn bè.
Đến tuổi tới trường, khát khao được đi học, cô bé Thuần theo chị cả vượt đoạn đường dài rồi ngồi ngoài lớp nghe cô giáo giảng. Nhận thấy sự ham học của Thuần, cô giáo đã tới nhà động viên gia đình cho con gái đi học. Với tinh thần nỗ lực mạnh mẽ, ham học hỏi nên cô bé Thuần khi ấy gần như năm nào cũng đạt thành tích cao. Thế nhưng, học đến cấp 3, vì nhiều lý do, Trần Thị Thuần phải dừng lại việc học và ước mơ còn dang dở của mình.
Những tưởng bất hạnh chỉ dừng lại ở đó, sau khi lập gia đình và có hai đứa con kháu khỉnh, hàng loạt biến cố đã ập đến với chị. Kinh tế gia đình sa sút, tình cảm vợ chồng rạn nứt, cộng thêm chị Thuần không may gặp tai nạn xe máy và tổn thương bên chân bị bại liệt, cho đến thời điểm hiện tại, chân trái của chị Thuần vẫn còn ghim 12 chiếc đinh bên trong. Sức khỏe yếu, hai con nhỏ, chồng bỏ đi, chị Thuần xin việc khắp các công ty đều không được nhận. Để có thêm thu nhập nuôi sống gia đình, chị đã quyết tâm đi bán tăm dạo.
Có những thời điểm tuyệt vọng, chị Thuần muốn từ bỏ tất cả, nhưng chính hai con nhỏ là điểm tựa giúp chị vượt qua nghịch cảnh để sống ý nghĩa. Năm 2019, nhận thấy nhiều ruộng đất ở địa phương bị bỏ hoang, chị Thuần bàn bạc với một số người khuyết tật trong xã thuê lại để trồng dược liệu như hoa nhài, rau má, lá đề, đinh lăng, lạc tiên, sâm, diệp hạ châu…
Lúc đầu chị làm trà cho gia đình uống, sau đó được nhiều người khen ngon, chị đã nảy ra ý định sản xuất những sản phẩm, sạch, an toàn, có thể nâng cao sức khỏe. Nghĩ là làm, chị và 6 thành viên đã thành lập Hợp tác xã Tâm Ngọc, cho ra được sản phẩm đầu tiên.
Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, nỗi lo đầu ra cho sản phẩm lại một lần nữa thử thách sự kiên cường của chị Thuần. Hai năm đầu tiên, sản phẩm làm ra không bán được, đành phải đi cho, tặng. Nhiều sản phẩm bị mốc, hỏng, bao nhiêu công sức đổ sông đổ biển.
Nỗ lực không bỏ cuộc, chị Thuần và một số thành viên tìm đến các phòng khám đông y, công ty trà, đại lý đồ uống để giới thiệu sản phẩm. Sự xuất hiện của anh Nguyễn Bảo Ngọc - người đồng hành cùng chị Thuần từ những ngày đầu tiên thành lập HTX Tâm Ngọc đã mở ra nhiều câu chuyện về ý chí và nghị lực của nữ giám đốc Trần Thị Thuần. Từng bước, từng bước, từ sự nỗ lực không ngừng nghỉ, dần dần người tiêu dùng đã biết đến sản phẩm của hợp tác xã như Cà gai leo trà, Liên hoa trà, Như hoa trà …
Đến nay, chị Thuần không chỉ xây dựng nên một hợp tác xã lớn mạnh, mà còn tạo công ăn việc làm cho nhiều người khuyết tật. Từ chỗ lang thang mưu sinh, giờ đây chị Thuần không chỉ lo được cho bản thân, mà còn trở thành điểm tựa cho nhiều mảnh đời không may mắn.
Mong ước lớn nhất của chị là các sản phẩm được nhiều người biết đến hơn nữa, để không chỉ khách hàng được cải thiện về sức khỏe mà còn giúp nhiều người khuyết tật có công ăn việc làm, thêm thu nhập nuôi sống bản thân và gia đình.
Điều gì khiến chị Trần Thị Thuần đã không ngại đối mặt với những khó khăn trong cuộc sống, không ngại thử thách bản thân để có ngày hôm nay? Bí kíp nào đã giúp chị vững tâm và vững tin vượt qua những biến cố ấy? Tất cả sẽ được giải đáp trong Trạm yêu thương chủ đề "Phép thử của thành công" lên sóng lúc 10 giờ ngày 16.3 trên kênh VTV1.
Bình luận (0)