Phí 'bôi trơn' tăng mạnh

01/04/2016 08:39 GMT+7

Báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2015 do Phòng Thương mại - Công nghiệp VN hợp tác với USAID (Cơ quan Phát triển quốc tế của Mỹ) cho biết tỷ lệ DN phải chi trả chi phí không chính thức đã tăng mạnh trong 3 năm qua, từ 50% (2013), 64% (2014) lên 66% năm 2015.

Báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2015 do Phòng Thương mại - Công nghiệp VN (VCCI) hợp tác với USAID (Cơ quan Phát triển quốc tế của Mỹ) công bố hôm qua (31.3) cho thấy xu hướng tích cực là thời gian đăng ký doanh nghiệp (DN) đã rút ngắn từ 10 ngày năm 2014 xuống còn 8 ngày năm 2015.
Bên cạnh đó, 51% DN cho biết thủ tục giấy tờ đã đơn giản hơn, 61% không phải đi lại nhiều lần để lấy con dấu và chữ ký; 67% DN đồng ý cán bộ làm việc hiệu quả; 59% DN cho biết cán bộ thân thiện, nhiệt tình. Năm 2015 cũng ghi nhận thời gian thanh tra thuế thấp nhất trong 3 năm trở lại đây.
Tuy nhiên, báo cáo cho biết, tỷ lệ DN phải chi trả chi phí không chính thức đã tăng mạnh trong 3 năm qua, từ 50% (2013), 64% (2014) lên 66% năm 2015.
Dành riêng một phần quan trọng cho ý kiến của các DN nhỏ và vừa, các chuyên gia của VCCI và USAID cho biết các DN nhỏ và vừa vẫn quẩn quanh với thị trường nội địa, chỉ 3% DN siêu nhỏ, 4% DN nhỏ và gần 9% DN quy mô vừa có khách hàng là các cá nhân, DN ở nước ngoài. Ngay với DN lớn, tỷ lệ vươn ra nước ngoài cũng rất khiêm tốn với 24%. Điều này lý giải vì sao tỷ trọng xuất khẩu của DN FDI vẫn chiếm tới 70,7% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của VN năm 2015. Kết quả điều tra PCI 2015 cũng cho thấy để tiếp cận nguồn lực hỗ trợ từ nhà nước, 65% DN nhỏ và vừa thường xuyên chi trả chi phí không chính thức và 75% cần tới mối quan hệ để tiếp cận thông tin. Việc chi trả chi phí không chính thức cũng là một gánh nặng, chiếm 7% doanh thu với DN lớn và trên 10% với DN nhỏ và vừa.
Ở góc độ khác, khảo sát với khối DN FDI năm 2015 của GS Edmund Malesky, ĐH Duke (Mỹ) chỉ ra mức độ lạc quan tương đối cao khi 11% DN FDI tăng vốn đầu tư, 62% tuyển thêm lao động, 50% có ý định mở rộng sản xuất kinh doanh. Khi so sánh với các nước khác, VN tiếp tục được đánh giá tốt ở các lĩnh vực: mức thuế thấp, ổn định chính trị, chính sách, nguy cơ bị thu hồi tài sản thấp.
Báo cáo PCI 2015 được thực hiện trên cơ sở khảo sát thông tin phản hồi từ 11.700 DN, trong đó có 10.200 DN dân doanh và gần 1.600 DN có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại 14 tỉnh, thành trên cả nước. Dẫn đầu bảng xếp hạng 2015 là Đà Nẵng với 68,34 điểm, tiếp đó là Đồng Tháp (66,39 điểm) và Quảng Ninh (65,75 điểm) - những tỉnh có nhiều sáng kiến cải cách hành chính và đổi mới chất lượng điều hành. Nhóm 10 tỉnh thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất năm 2015 còn có Vĩnh Phúc, Lào Cai, TP.HCM, Thái Nguyên, Quảng Nam, Long An và Thanh Hóa khi nhận được nhiều đánh giá tích cực của các DN dân doanh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.