Phi công, thuyền viên muốn nghỉ việc phải báo trước 120 ngày

06/06/2020 17:14 GMT+7

Phi công , nhân viên bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay, người quản lý doanh nghiệp, thuyền viên trên tàu viễn dương... muốn đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động phải báo trước ít nhất 120 ngày, thay vì 45 ngày như quy định chung.

Đây là một trong những điểm mới được quy định tại dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của bộ luật Lao động về quản lý lao động, hợp đồng lao động, tiền lương, kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất, vừa được Bộ LĐ-TB-XH đưa ra lấy ý kiến.
Theo Bộ LĐ-TB-XH, trong quá trình triển khai thực hiện các quy định cho thấy, một số quy định về nội dung hợp đồng lao động về thời hạn báo trước khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong một số ngành, nghề, công việc đặc thù, về xử lý hợp đồng lao động vô hiệu còn chưa cụ thể, gây vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Vì vậy, việc xây dựng dự thảo Nghị định nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; cải cách thủ tục hành chính; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong bối cảnh mới. Bên cạnh đó, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, phù hợp với yêu cầu thực tiễn, thúc đẩy phát triển thị trường lao động trong cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế.
Theo đó, dự thảo Nghị định quy định về thời hạn báo trước khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong một số ngành, nghề, công việc đặc thù (hàng không, hàng hải, lao động quản lý), gồm: thành viên tổ lái tàu bay; nhân viên bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay và thiết bị tàu bay có chứng chỉ xác nhận cho tàu bay vào khai thác (CRS) mức B trở lên; nhân viên điều độ, khai thác bay.
Người quản lý doanh nghiệp theo quy định của luật Doanh nghiệp; luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.
Thuyền viên thuộc thuyền bộ làm việc trên tàu Việt Nam đang hoạt động ở nước ngoài; thuyền viên được doanh nghiệp Việt Nam cho tàu biển nước ngoài thuê lại đang làm việc trên tàu biển nước ngoài.
Với những lao động làm các ngành, nghề, công việc trên, khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thì phải báo trước cho người sử dụng lao động ít nhất 120 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hoặc hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 12 tháng trở lên.
Đối với lao động có hợp đồng lao động thời hạn dưới 12 tháng, phải báo trước ít nhất bằng 1/4 thời hạn của hợp đồng lao động.
Người sử dụng lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động làm ngành, nghề, công việc công việc đặc thù thì phải báo trước cho người lao động với thời gian tương tự như trên.
Dự thảo đang được Bộ LĐ-TB-XH lấy ý kiến đến hết ngày 3.8.2020
Trước đó, vào năm 2018, Thanh Niên đã có loạt bài phản ánh bức xúc của các phi công “tố” thông tư của Bộ Giao thông vận tải quy định nhân viên hàng không trình độ cao khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động phải báo trước cho người sử dụng lao động 120 ngày. Trong khi theo luật Lao động, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng, nhưng phải báo trước ít nhất 45 ngày.
Tại thời điểm đó, Bộ LĐ-TB-XH, cho rằng, quy định trên không phù hợp với bộ luật Lao động năm 2012 và Hiến pháp năm 2013. Cụ thể, tại điều 37 của bộ luật Lao động năm 2012, thời hạn người lao động phải báo trước khi thực hiện đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động tùy thuộc vào loại hợp đồng lao động và căn cứ chấm dứt, bao gồm các loại thời hạn: ít nhất 3 ngày làm việc; ít nhất 30 ngày; ít nhất 45 ngày; hoặc được thực hiện theo thời hạn quy định tại điều 156 bộ luật Lao động.
Để đảm bảo tính nghiêm ngặt về an toàn, an ninh hàng không (thuộc danh mục cấm đình công) và kế hoạch bay đã được duyệt, nhằm có thêm thời gian tuyển dụng các nhân viên hàng không trình độ cao ở Việt Nam, Bộ LĐ-TB-XH cho rằng, vấn đề này phải nghiên cứu và đánh giá tác động đầy đủ, thấu đáo đối với các ngành, nghề lao động có tính chất đặc thù và lấy ý kiến của chính người lao động là “nhân viên hàng không trình độ cao”… Vì vậy,  bộ luật Lao động 2019 đã sửa đổi quy định này cho phù hợp với thực tiễn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.