(TNO) Các nhà khoa học Nga đang có tham vọng phát triển một trang trại nuôi loài ốc sên khổng lồ châu Phi trên không gian. Chúng sẽ là nguồn thức ăn cung cấp lượng protein cần thiết cho các phi hành gia, đặc biệt trong các sứ mệnh khám phá sao Hỏa và mặt trăng, theo RT.
Một con ốc sên khổng lồ châu Phi - Ảnh: Reuters |
"2/3 lượng protein cần thiết cho các phi hành gia trên không gian cần phải cung cấp từ động vật. Thế nhưng, trong một căn cứ ngoài vũ trụ thì diện tích rất hạn chế và không thể nuôi gia súc", RT dẫn lời Vladimir Kovalev, một nhà khoa học tại Viện Sinh học ở Krasnoyarsk, thuộc vùng Siberia (Nga).
Viện nghiên cứu được thành lập từ thời Liên Xô nhằm hỗ trợ các chương trình khám phá không gian. Họ có thể tạo ra một môi trường sống phù hợp cho loài ốc sên khổng lồ châu Phi trên không gian.
Điều này có nghĩa là các nhà thám hiểm trong tương lai có thể nuôi ốc sên, cho chúng ăn và lấy đó làm nguồn thực thực phẩm trong các chuyến đi dài, theo RT.
"Bạn sẽ cần một bầy ốc sên khoảng 700 đến 800 con để cung cấp đủ cho một người. Trung bình mỗi ngày một người có thể tiêu thụ khoảng 100 đến 150 gr thịt ốc, nhưng nếu người đó có ăn đến nửa kg thì vẫn an toàn", ông Kovalev cho biết.
Thịt của một con ốc sên chúng tôi nuôi có mùi vị giống như gan, ông Nikolay Manukovskiy, một nhà khoa học tại viện nghiên cứu tiết lộ.
"Dù nó không ngon như những loại thịt khác như chúng vẫn chấp nhận được", ông Kovalev nói thêm.
Loài ốc sên khổng lồ châu Phi có tên khoa học là Achatina fulica và là loài thân mềm sống trên cạn có nhiều thịt. Chúng có thể phát triển đến hơn 20 cm và sống đến 10 năm. Trong suốt quá trình sinh trưởng, nó không ngừng phát triển lớn hơn.
Nhiều nơi xem ốc sên khổng lồ châu Phi là loài gây hại và trung gian lây bệnh, theo RT.
Bình luận (0)